Iran tập kích tên lửa căn cứ Mỹ - Đòn trả đũa chớp nhoáng

Chưa đầy 1 tuần sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh không kích sát hại Thiếu tướng Iran Qasem Soleimani, Iran đã có màn đáp trả nhanh chóng bằng cuộc tấn công tên lửa vào hai căn cứ Mỹ tại Iraq sáng sớm 8/1. Sự việc khiến quan hệ Mỹ-Iran căng thẳng và viễn cảnh hai nước chiến tranh hay không sẽ tùy thuộc vào phản ứng tiếp theo của Washington.

Theo kênh CNN, khủng hoảng Iran chính là bài kiểm tra lớn nhất nhiệm kỳ của Tổng thống Trump từ trước tới nay.

Cuộc trả đũa tương xứng

Chú thích ảnh
Một căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq trúng rocket phóng từ Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Đài truyền hình nhà nước Iran đưa tin Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã tấn công căn cứ Ain al-Assad của Mỹ ở Iraq bằng hàng chục quả tên lửa đạn đạo. IRGC cảnh báo Mỹ sẽ nhận nhiều phản ứng mạnh mẽ nếu tiếp tục gây hấn. IRGC cho biết sẽ nhằm vào bất kỳ quốc gia nào trong khu vực nếu nước đó trở thành nơi tiếp tay cho Mỹ gây hấn. IRGC kêu gọi công dân Mỹ yêu cầu chính phủ nước này rút binh sĩ Mỹ khỏi khu vực.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói trên Twitter rằng phản ứng nói trên tương xứng với vụ Mỹ sát hại ông Soleimani: “Iran đã thực hiện và hoàn tất biện pháp tương xứng để phòng vệ theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc nhằm vào căn cứ đã hèn nhát tấn công công dân và quan chức cấp cao của chúng tôi. Chúng tôi không muốn leo thang chiến tranh nhưng sẽ tự vệ trước hành động gây hấn”.

Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc cũng tuyên bố Iran đã thực hiện những biện pháp tương xứng để đáp trả vụ Mỹ sát hại Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đơn vị đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Nhà ngoại giao ngày cho biết thêm Iran sẵn sàng có mọi biện pháp cần thiết nếu Mỹ tiếp tục sử dụng vũ lực.

Vụ tấn công xảy ra vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Mỹ không tìm kiếm chiến tranh với Iran mà sẵn sàng kết thúc chiến tranh.

Tổng thống Trump đã được thông báo về vụ việc. Ông đăng lên Twitter: “Tất cả đều ổn. Tên lửa phóng từ Iran vào hai căn cứ quân sự ở Iraq. Đang đánh giá thương vong và thiệt hại. Tới nay đều tốt cả”.

Vụ trả đũa của Iran diễn ra sau khi Mỹ sát hại Tướng Soleimani, người có nhiều quyền lực và rất được ngưỡng mộ ở Iran, với giải thích đây là nỗ lực “giảm căng thẳng với Iran”. Tuy nhiên, Iran thề trả thù cho hành động mà nước này gọi là “gây chiến” và “khủng bố nhà nước”.

Thách thức của ông Trump và tính toán của Iran

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump đối mặt thách thức trực tiếp từ Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

Vụ Iran nã tên lửa vào căn cứ Mỹ đặt ra thách thức trực tiếp với Tổng thống Trump – người vừa cảnh báo Iran ngày 7/1 chỉ vài giờ trước vụ tấn công. Ông nói: “Nếu Iran làm bất kỳ điều gì không nên làm, họ sẽ lãnh hậu quả rất nặng nề”.

Ngay sau vụ sát hại Tướng Soleimani, ông Trump liên tục nhấn mạnh rằng vụ không kích nhằm giảm bạo lực, nhằm chấm dứt chiến tranh. Về sau, ông Trump cảnh báo tấn công 52 mục tiêu ở Iran, kể cả các khu vực văn hóa.

Bà Randa Slim, thành viên cấp cao Viện Trung Đông, cho rằng vụ tấn công của Iran là điều tất yếu sau khi Lãnh đạo Tối cao Iran Ali Khamenei thông báo sẽ có trả đũa. Do đó, tình hình có leo thang hay không sẽ phụ thuộc vào bản thân Tổng thống Trump, phụ thuộc vào việc ông có chấp nhận cuộc tấn công này không. Bà Slim nhận định: “Với Tổng thống Trump, ông dường như không sẵn sàng chấp nhận bất kỳ hành vi trả đũa nào của Iran. Điều đó có nghĩa là chúng ta mắc kẹt trong vòng xoáy leo thang sẽ đẩy chúng ta vào cuộc chiến trên lãnh thổ Iran cũng như toàn bộ khu vực”.

Ông Thomas Juneau, Trợ lý giáo sư kiêm chuyên gia về Iran tại Đại học Ottawa (Canada), nhận định: Quyết định của Iran tấn công căn cứ Mỹ là “canh bạc lớn”. Giới lãnh đạo Iran đã tính tới tình thế chính trị ở trong nước của Tổng thống Trump – người đang tái tranh cử với thông điệp muốn chấm dứt sự can dự của Mỹ ở Trung Đông. Ông Juneau nói: “Iran đánh giá ông Trump không muốn bị sa lầy trong một cuộc chiến quy mô lớn ở Trung Đông và điều đó giúp họ có thêm động lực hành động. Không cần nói cũng biết đây là canh bạc lớn, xét tính chất khó đoán của Tổng thống Trump”.

Theo nhận định của CNN, vụ tấn công bằng tên lửa của Iran có dấu hiệu được tính toán kỹ lưỡng để tránh thương vong cho người Mỹ. Iran biết rằng vào rạng sáng, binh sĩ Mỹ thường đang ngủ và khả năng gây thương vong sẽ thấp hơn là tấn công vào các thời điểm khác trong ngày. Fox News đưa tin hầu hết các tên lửa Iran đã rơi xuống các khu vực không có binh lính Mỹ trong các cơ sở quân sự. Do đó, mục đích của cuộc tấn công không phải là gây thương vong cho binh sĩ Mỹ với số lượng lớn mà là thực hiện chỉ thị của Lãnh tụ Khamenei là tấn công công khai vào mục tiêu quân sự Mỹ để trả thù cho Tướng Soleimani.

Cuộc tấn công của Iran vào nửa đêm với số lượng tên lửa không quá lớn còn có thể nhằm tạo ra lối thoát mà cả hai bên đều thầm muốn, nhất là khi cả hai bên có thể không được lợi gì từ một cuộc chiến kéo dài, chiến sự leo thang.

Khả năng chiến tranh?

Chú thích ảnh
Căn cứ không quân Ain al-Asad ở miền Tây Iraq ngày 29/12/2019. Ảnh: AP/TTXVN

Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng khả năng chiến tranh Mỹ-Iran vẫn chưa rõ ràng, kể cả sau khi Iran nã tên lửa vào căn cứ Mỹ tại Iraq. Theo bà Laura Kennedy, cựu Đại sứ Mỹ tại Hội nghị Giải trừ Quân bị ở Geneva, Iran có thể không tuyên bố chiến tranh tổng lực với Mỹ vì Tehran sẽ mất nhiều hơn được nếu xung đột trực diện với Mỹ. 

Theo nhận định của Đại tá về hưu Stephen Ganyard với kênh ABC News, chuyện xảy ra tiếp theo sẽ thực sự phụ thuộc vào mức độ thiệt hại của vụ tấn công. Ông nói: “Còn tùy vào việc tên lửa đánh trúng cái gì. Nếu không đánh trúng mục tiêu giá trị, thì tình hình có thể xuống thang. Nếu tên lửa rơi trúng thứ quan trọng và nếu làm bị thương người Mỹ thì Iran có thể chuẩn bị cho một cuộc trả đũa lớn từ Mỹ”. Ông cũng lưu ý rằng Tehran tấn công vào các mục tiêu ít khả năng nhất vì họ biết các mục tiêu này không được bảo vệ nghiêm ngặt.

Phía Mỹ đang đánh giá thiệt hại sau vụ tấn công tại căn cứ Ain al-Assad và Erbil. Hiện chưa có thông tin thương vong về phía Mỹ. Với Tổng thống Trump, thương vong với người Mỹ là “lằn ranh đỏ”. Chính cuộc khủng hoảng hiện nay xảy ra sau khi một nhà thầu dân sự Mỹ thiệt mạng trong cuộc tấn công do lực lượng dân quân ủng hộ Iran ở Iraq gây ra. 

Tuy nhiên, có thể nói cho dù có thương vong hay không thì cuộc tấn công vào hai căn cứ Mỹ tại Iraq vẫn là khoảnh khắc quan trọng trong căng thẳng Mỹ-Iran vì đây là lần đầu tiên Iran tấn công trực tiếp vào tài sản Mỹ. Do đó, vẫn còn một số kịch bản có thể đẩy cuộc xung đột tới chỗ chiến tranh toàn lực.

Thứ nhất là khả năng Tổng thống Trump ra lệnh không kích các mục tiêu bên trong lãnh thổ Iran. Điều này sẽ kích hoạt thêm phản ứng quân sự từ Iran và cuộc xung đột sẽ ngay lập tức ngoài tầm kiểm soát.

Thứ hai là khả năng Tổng thống Trump không trả đũa thêm nhưng Iran vẫn nhằm vào binh sĩ Mỹ ở Iraq thông qua lực lượng ủy nhiệm như Lữ đoàn Badr hay Kataib Hezbollah. Khả năng này sẽ kéo Mỹ vào xung đột sâu hơn.

Thứ ba là nhóm dân quân dòng Shiite thân Iran có thể hành động chống binh sĩ Mỹ ở Iraq mà không cần Tehran cho phép. Điều đó có thể khiến Mỹ phản ứng mạnh hơn với Iran, kéo cả hai vào chiến tranh.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Lý do Iran-Mỹ xung đột, Philippines sẽ lĩnh hậu quả nặng nề
Lý do Iran-Mỹ xung đột, Philippines sẽ lĩnh hậu quả nặng nề

Philippines cách Trung Đông hàng nghìn km nhưng nếu xung đột xảy ra giữa Mỹ và Iran thì quốc gia Đông Nam Á này lại phải đối mặt với nhiều hậu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN