Hai căn cứ Ain al-Asad và Erbil, nơi lính Mỹ đồn trú tại Iraq đã trở thành mục tiêu cuộc không kích bằng tên lửa của Iran. Theo truyền thông nước này, Vệ binh Cách mạng Iran đã nã hàng chục quả tên lửa nhằm vào các cơ sở của Mỹ.
Đài CNN (Mỹ) cũng cho biết căn cứ Ain al-Asad của Mỹ nằm cách thủ đô Baghdad (Iraq) khoảng 180km về phía Tây này đã trúng ít nhất 13 quả tên lửa. Các căn cứ khác của Iraq có quân Mỹ đồn trú cũng bị trúng nhiều quả tên lửa.
Xem video tên lửa Iran phóng trúng mục tiêu của Mỹ:
Trang Daily Mail cho hay, có hai loại tên lửa đạn đạo đã được Iran sử dụng để tấn công trả thù Mỹ nhằm vào các căn cứ Ain al-Asad, phía Tây Iraq, và quanh Erbil ở khu vực Kurdistan Iraq. Theo các nguồn tin quân sự Mỹ, hầu hết số tên lửa được phóng rạng sáng 8/1 là tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110, có tầm bắn 300km, mang theo đầu đạn khoảng 500 pound, tương đương 230kg.
Sau cuộc chiến tranh Iran-Iraq, Iran đã nhận thấy cần phải tăng độ chính xác cho các tên lửa đạn đạo tầm ngắn như Zelzal và Naze'at của mình khi thừa nhận chúng không chính xác lắm. Sau khi nhập thử tên lửa của Trung Quốc, Tehran quyết định tự chế tạo một loại tên lửa riêng do các tên lửa nhập khẩu có tầm quá ngắn, đầu đạn quá nhẹ nhưng lại cồng kềnh không đáp ứng yêu cầu.
Việc phát triển tên lửa Fateh-110 bắt đầu từ năm 1995 với nền tảng được chọn là tên lửa Zelzal 2. Ban đầu các tên lửa có tầm hoạt động trong vòng 200 km, đến năm 2004 thì phiên bản nối dài tầm hoạt động lên 250 km được công bố. Phiên bản thứ ba có tầm hoạt động 300 km được giới thiệu năm 2010 và ít lâu sau phiên bản thứ tư cũng ra mắt với hệ thống dẫn đường mới vào năm 2012.
Fateh-110 sử dụng một tầng nhiên liệu rắn để đẩy tên lửa lên cao với khả năng mang đầu đạn chứa thuốc nổ mạnh hay bom chùm. Phía trước của tên lửa có ba cánh hình tam giác và phía sau có bốn cánh để giữ ổn định.
Tên lửa có thể gắn trên ba loại hệ thống phóng di động. Thứ nhất là hệ thống giống S-75 Dvina, thứ hai là bệ dùng chung với các tên lửa Zelzal và cuối cùng là hệ thống mới có tên Zolfaghar có thể chở được hai lửa.
Fateh-100 từng được Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Chuẩn tướng Amir Hatami mô tả là “tên lửa tàng hình chiến thuật, dẫn đường độ chính xác cao, được chế tạo nội địa 100%”.
Trong vụ tấn công trả thù Mỹ ngày 8/1, một số báo cáo tiết lộ tên lửa Qiam-1 cũng được sử dụng. Đây là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn do Iran sản xuất, có tầm bắn 800km, mang theo đầu đạn nặng 750 pound (340kg).
Qiam-1 được phát triển trên nền tảng tên lửa Shahab-2 của Iran, vốn là một bản sao được cấp phép của Hwasong-6 do Triều Tiên sản xuất. Tất cả đều từ phiên bản gốc là tên lửa Scud-C thời Liên Xô.
Xem video Iran thử tên lửa Qiam-1 vào tháng 5/2019, từ một căn cứ quân sự bí mật dưới lòng đất:
Các loại tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm ngắn, do Iran thiết kế, có thể được phóng từ bất cứ địa điểm nào. Theo các nguồn tin Iran, tên lửa này được thiết kế đặc biệt nhằm vào các căn cứ Mỹ ở Trung Đông “bao quanh Iran”.
Toàn bộ số tên lửa nã xuống căn cứ Mỹ được cho là phóng từ các tỉnh Tabriz và Kermanshah của Iran.
Sau vụ tấn công, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jonathan Hoffman khẳng định: “Rõ ràng những tên lửa này được phóng từ Iran”. Ông Hoffman cho biết phía Mỹ đang tính toán các thiệt hại ban đầu.
Căn cứ quân sự Ain al-Asad ở phía Tây Iraq từng được Tổng thống Mỹ Donald Trump tới thăm vào tháng 12/2018.