Cảnh báo được gửi đến Nhà Trắng lúc hơn 2 giờ chiều ngày thứ Ba, 7/1 - một tin nhắn chớp nhoáng từ các cơ quan tình báo Mỹ, thường được gọi là “chim ưng”. “Trong những giờ tới, một cuộc tấn công của Iran nhằm quân đội Mỹ là gần như chắc chắn”- tờ New York Times dẫn cảnh báo của "chim ưng".
Một loạt các mối đe dọa tiềm tàng đã được báo đến Nhà Trắng suốt cả ngày hôm đó – từ mối đe dọa về các cuộc tấn công bằng tên lửa và rocket, đến tấn công khủng bố vào người Mỹ ở khắp Trung Đông, thậm chí một cảnh báo rằng hàng trăm chiến binh được Iran hậu thuẫn có thể tấn công căn cứ không quân Al Asad, nằm trên sa mạc phía Tây Iraq.
Nhưng tính chất đặc biệt của cảnh báo mới nhất, vào buổi chiều, đã buộc Phó Tổng thống Mike Pence và Cố vấn An ninh quốc gia Robert C. O’Brien, phải tới tầng hầm của Cánh Tây (Nhà Trắng), nơi các phụ tá đang tập trung trong Phòng Tình huống. Tổng thống Trump đã tham dự cuộc họp ngay sau khi kết thúc cuộc gặp với Thủ tướng Hy Lạp.
Ba tiếng sau, một loạt tên lửa đạn đạo phóng từ Iran đã nã xuống hai căn cứ Mỹ ở Iraq, gồm Al Asad, nơi có khoảng 1.000 lính Mỹ đóng quân, và Erbil, thuộc khu tự trị người Kurd. Cuộc tập kích đã kết thúc một ngày hỗn loạn với những nhầm lẫn và thông tin sai lệch, đôi lúc có vẻ như một cuộc leo thang quân sự nguy hiểm có thể dẫn đến cuộc chiến mở rộng. Tổng thống Trump đã dành hàng giờ với các phụ tá của mình để theo sát những mối đe dọa mới nhất. Các nhà hoạch định quân sự cũng đã cân nhắc những lựa chọn trả đũa nếu có binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Cảnh báo sớm được cung cấp bởi giới tình báo đã giúp giải thích một phần lý do tại sao các tên lửa dẫn đường của Iran lại gây ra thiệt hại không đáng kể, chỉ phá hủy các nhà chứa máy bay đã được sơ tán hoặc lao sầm xuống những bãi cát sa mạc trong căn cứ. Không có người Mỹ hay người Iraq nào bị giết hoặc bị thương, và ông chủ Nhà Trắng, người đã chỉ rõ rằng ông muốn tránh can dự thêm nữa, thở phào nhẹ nhõm. Sau đó, Tổng thống và Phó Tổng thống đã trao đổi với các nhà lãnh đạo quốc hội của cả hai đảng, và một số người hối thúc ông Trump tìm cách xả van khủng hoảng.
Hóa ra, cuộc tập kích tên lửa lại có thể dẫn đến một cái kết không đổ máu cho một chương mới nhất trong cuộc xung đột kéo dài 4 thập kỷ giữa Mỹ và Iran. Sau màn tập kích trả đũa ngày 8/1, Tổng thống Trump tuyên bố Iran có vẻ như đang “xuống thang” căng thẳng kể từ khi Tướng Suleimani bị Mỹ ám sát.
Chỉ mới vài giờ trước đó, khi các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đến bàn làm việc của họ vào ngày 7/1, quân đội Mỹ ở Iraq còn đang chuẩn bị đối phó với một cuộc báo thù của Iran. Các vệ tinh do thám theo dõi mọi hoạt động của kho vũ khí tên lửa Iran, và thông tin liên lạc giữa các nhà lãnh đạo quân sự Iran bị Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ chặn được đã chỉ ra rằng màn trả thù cho cái chết của Tướng Suleimani có thể xảy ra vào ngày hôm đó.
Căn cứ Al Asad ở tỉnh Anbar, Iraq tương đối dễ bị tổn thương. Theo một quan chức quân đội Mỹ, nơi này không có hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot nào bảo vệ. Các hệ thống Patriot đã được triển khai tới những quốc gia khác ở Trung Đông, được coi là dễ bị tấn công bằng tên lửa của Iran hơn. Vì vậy, các chỉ huy Mỹ đã chuẩn bị sơ tán một phần căn cứ và đưa hầu hết lực lượng còn lại tới những nơi trú ẩn kiên cố để đề phòng bị tấn công.
Vào sáng 7/1, tại Washington, giới tình báo vẫn còn mơ hồ đến mức các quan chức Nhà Trắng vẫn quyết định giữ nguyên kế hoạch của Tổng thống, bao gồm cả cuộc gặp với Thủ tướng Hy Lạp, Kyriakos Mitsotakis. Còn tại Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo chật cứng người rằng giết chết Tướng Suleimani là quyết định đúng đắn.
Vài giờ sau, khi ông Trump gặp Thủ tướng Mitsotakis, Nhà Trắng nhận được “cảnh báo chim ưng” về một cuộc tấn công tên lửa tiềm tàng. Ông Pence và ông O’Brien chủ trì cuộc thảo luận ban đầu trong Phòng Tình huống về cách đối mặt với mối đe dọa, đánh giá thông tin tình báo về các mục tiêu dễ bị người Iran nhắm đến nhất.
Cùng lúc, ở phía tầng trên của Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump ngồi cạnh ông Mitsotakis, trả lời các câu hỏi của phóng viên về cuộc khủng hoảng Iran. “Nếu Iran làm bất cứ điều gì họ không nên làm, họ sẽ phải gánh chịu hậu quả, rất mạnh mẽ. Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả”, nhà lãnh đạo Mỹ nói.
Bánh sandwich được xếp cả chồng trên tủ kệ trong phòng, phục vụ nhóm cố vấn Tổng thống túc trực cả ngày, gồm một số quan chức an ninh quốc gia dày dạn kinh nghiệm, như Tham mưu trưởng liên quân - Tướng Mark A. Milley, cựu quân nhân gần 40 năm; Trung tướng nghỉ hưu Keith Kellogg làm cố vấn an ninh quốc gia cho Phó Tổng thống Pence; và Joseph Maguire, quyền Giám đốc Tình báo quốc gia. Tất nhiên không thể thiếu Ngoại trưởng Pompeo, người đã trở thành một động lực trong chính sách về Iran của Tổng thống Trump, người ủng hộ mạnh mẽ cuộc không kích giết chết Tướng Suleimani.
Nhưng những người khác ngồi quanh chiếc bàn hình chữ nhật dài trong Phòng Tình huống chỉ có kinh nghiệm chính sách đối ngoại khiêm tốn - bao gồm Mick Mulvaney, Chánh văn phòng Nhà Trắng và là cựu nghị sĩ bang Nam Carolina; và ông O'Brien, từng là luật sư ở Los Angeles trước khi làm trưởng đoàn đàm phán con tin của Tổng thống Trump trong 2 năm rưỡi rồi mới đảm nhiệm chức Cố vấn An ninh quốc gia vào tháng 9/2019.
Xuất hiện trên màn hình video là Gina Haspel, Giám đốc CIA., người đang theo dõi cuộc khủng hoảng từ trụ sở của cơ quan này ở Bắc Virginia. Trong những ngày trước khi Tướng Suleimani thiệt mạng, bà Haspel đã cố vấn với ông Trump rằng mối đe dọa mà viên tướng Iran đặt ra còn lớn hơn mối đe dọa từ phản ứng của Iran nếu ông ta bị giết. Bà Haspel dự đoán phản ứng rất có thể sẽ là một cuộc tấn công bằng tên lửa từ Iran đến các căn cứ có quân Mỹ đồn trú, đúng như tình huống đã xảy ra ngày 8/1.
Xem video Iran phóng tên lửa đạn đạo nhằm hướng căn cứ Mỹ:
Nhưng vào thời điểm đó, Tổng thống và các trợ lý của ông đang phải đối mặt với một loạt thông tin mâu thuẫn. Khoảng 4 giờ chiều 7/1 (giờ Mỹ), các báo cáo cho biết căn cứ không quân Taji ở phía bắc Baghdad có thể đã bị tấn công. Các quan chức tại Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao hồi hộp chờ đợi Lầu Năm Góc cung cấp báo cáo thiệt hại tại đây. Nhưng đó là một thông tin sai.
Khi các báo cáo về Taji được đưa ra, loa phóng thanh tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad tuyên bố một cuộc tấn công có thể sắp xảy ra. Và như những ngày trước đó, nhân viên người Mỹ và Iraq bên trong tòa Đại sứ khẩn trương chạy xuống các hầm tránh bom.
Khoảng 5h30 chiều 7/1 tại Washington, Lầu Năm Góc đã phát hiện quả đầu tiên trong số 16 quả tên lửa tầm ngắn và tầm trung Fateh 110 và Shahab được bắn từ ba địa điểm ở Iran. Một vài quả phóng vào căn cứ Ain Al-Asad nhưng chỉ gây thiệt hại tối thiểu. Tên lửa đánh trúng một máy bay trực thăng Black Hawk và máy bay không người lái do thám, cùng với các bộ phận của tháp kiểm soát không lưu. Cuộc tấn công còn phá hủy một số lều bạt.
Vài phút sau, một loạt tên lửa tấn công căn cứ không quân ở Erbil, miền Bắc Iraq, nơi đồn trú của hàng trăm lính Mỹ và đồng minh, nhân viên hậu cần và chuyên gia tình báo trong cuộc chiến chống IS. Nhưng không có thiệt hại nào về người tại đây.
Tại sao các cuộc tập kích của Iran lại gây thiệt hại nhỏ như vậy? Tổng thống Trump cho rằng đó là do các biện pháp phòng ngừa được thực hiện, sự phân tán lực lượng và hệ thống cảnh báo sớm hoạt động rất tốt. Trong khi đó, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ bác bỏ ý kiến cho rằng Iran đã cố tình tránh sát thương lính Mỹ bằng cách nhắm vào những vị trí không có người ở tại hai căn cứ.
Tuy vậy, giới chức Mỹ cũng thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo Iran đã thể hiện sự kiềm chế trong việc lên kế hoạch cho cuộc tập kích tên lửa. “Chúng tôi nhận được một số thông tin đáng khích lệ rằng Iran đang gửi thông điệp cho các lực lượng dân quân ủy nhiệm yêu cầu không được nhắm vào các mục tiêu hoặc dân thường Mỹ”, Phó Tổng thống Pence nói trong cuộc phỏng vấn vào tối 8/1 sau khi xảy ra vụ tập kích. “Và chúng tôi hy vọng rằng thông điệp đó sẽ tiếp tục có ảnh hưởng”.