Hạ viện Mỹ chưa bỏ phiếu điều tra luận tội Tổng thống Trump

Ngày 15/10, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố toàn thể Hạ viện chưa tiến hành bỏ phiếu đối với vấn đề điều tra luận tội Tổng thống nước này Donald Trump.

 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tại cuộc họp báo tối 15/10. Ảnh: CNBC

Phát biểu tại cuộc họp báo tối 15/10, Chủ tịch Hạ viện Pelosi xác nhận cuộc bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của cơ quan lập pháp này liên quan tới vụ điều tra luận tội Tổng thống Trump chưa có trong lịch làm việc. “Chưa có yêu cầu nào rằng chúng tôi sẽ bỏ phiếu vào thời điểm này”, bà Pelosi tuyên bố.

Bà Pelosi cho biết một cuộc bỏ phiếu chính thức tại Hạ viện là điều không cần thiết trong tiến trình điều tra luận tội tổng thống, vốn đang diễn ra thuận lợi. Động thái này đồng nghĩa với việc đảng Dân chủ bác bỏ yêu cầu của phe Cộng hòa rằng Hạ viện phải tiến hành một cuộc bỏ phiếu chính thức để cho phép tiến hành cuộc điều tra luận tội.

Cũng tại cuộc họp báo, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff khẳng định "Hiến pháp Mỹ qui định rất rõ ràng rằng một cuộc bỏ phiếu sơ bộ (để điều tra luận tội tổng thống) là không nằm trong qui định". Tuy nhiên, Hạ nghị sĩ Schiff cũng bác bỏ những chỉ trích cho rằng phe Dân chủ đang xúc tiến quá trình điều tra luận tội tổng thống một cách thiếu minh bạch.

Quyết định trên được đưa ra, sau một phiên họp kín của các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện, trong bối giới nghị sĩ Cộng hòa và Nhà Trắng đang gia tăng áp lực nhằm vào đảng Dân chủ, cho rằng nỗ lực luận tội Tổng thống Trump là bước đi bất hợp pháp nhằm làm suy yếu tổng thống.

Luận tội Tổng thống Mỹ: Dễ hay khó? (Nguồn: CNN)

Trước đó, Nhà Trắng ngày 8/10 đã gửi thư bác bỏ bất kì việc phối hợp nào từ chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ với cáo buộc tổng thống tìm kiếm sự hậu thuẫn từ nước ngoài để giành lợi thế chính trị.

Trong bức thư dài 8 trang gửi các lãnh đạo đảng Dân chủ, chính quyền Tổng thống Trump đã bác bỏ toàn bộ tiến trình điều tra đang diễn ra tại Hạ viện nhằm đánh giá xem liệu Tổng thống Trump có lạm quyền khi tìm cách tiến hành điều tra tham nhũng ở Ukraine đối với đối thủ Joe Biden của cuộc bầu cử vào năm sau hay không.

Bức thư có đoạn "Tổng thống Trump không thể cho phép chính quyền tham gia cuộc điều tra có tính đảng phái này trong bối cảnh hiện nay"" và rằng "cuộc điều tra thiếu cơ sở hiến pháp hợp pháp", đặc biệt là yếu tố Hạ viện đã không tiến hành bỏ phiếu chính thức để tiến hành điều tra luận tội.

Với quyết định trên của Nhà Trắng, không thành viên nào trong chính quyền Tổng thống Trump được phép ra làm chứng trước Quốc hội và sẽ bỏ qua yêu cầu triệu tập của các tòa án. Bức thư cũng kêu gọi phe Dân chủ từ bỏ toàn bộ tiến trình luận tội hiện nay và "cùng Tổng thống tập trung vào nhiều mục tiêu quan trọng có liên quan đến người dân Mỹ".

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã chỉ trích việc Nhà Trắng từ chối phối hợp với cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ. Trong một tuyên bố, bà Pelosi nhấn mạnh lá thư của Nhà Trắng "là hoàn toàn sai trái và là một hành động trái luật nữa nhằm che giấu sự thật chính quyền Tổng thống Trump đã gây áp lực với bên ngoài để can thiệp cuộc bầu cử năm 2020". Theo bà, các nỗ lực của Nhà Trắng bị xem là bằng chứng của việc cản trở công lý.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái). Ảnh: Fox News

Ngày 24/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo cơ quan lập pháp này đã chính thức mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump. Chủ tịch Hạ viện Pelosi cho rằng Tổng thống Trump đã phản bội lời thề khi nhậm chức, phản bội an ninh quốc gia và "vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Mỹ" vì tìm cách tranh thủ một quyền lực nước ngoài nhằm giành lợi thế chính trị.

Quyết định trên được đưa ra sau khi chính trường Mỹ dậy sóng xoay quanh cuộc điện thoại ngày 25/7 của Tổng thống Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Nhà lãnh đạo Mỹ hôm 22/9 thừa nhận đã bàn luận với người đồng cấp Ukraine về đối thủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 Joe Biden và con trai ông Biden.

Dự luận và chính giới Mỹ nghi ngờ Tổng thống Trump đã gây sức ép để Tổng thống Zelensky mở cuộc điều tra cựu Phó Tổng thống Biden và con trai ông này – Hunter Biden. Năm 2014, khi đang giữ chức Phó Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã nỗ lực hết mình trong nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Song ở thời điểm đó, cũng xuất hiện nhiều nghi ngại khi công ty khí đốt Ukraine Burisma tuyển dụng con trai ông Biden là Hunter Biden.

Về phần mình, Tổng thống Trump bác bỏ cáo buộc nói trên, đồng thời gọi động thái này của các nghị sĩ Dân chủ là "một cuộc săn phù thủy". Nhà Trắng sau đó cũng cho công bố bản ghi chép nội dung cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ukraine. 

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Stephanie Grishams chỉ trích bước đi của các nhà lập pháp Dân chủ tại Hạ viện đang "đã hủy hoại mọi cơ hội của tiến trình lập pháp tại đất nước này, khi phe Dân chủ tập trung toàn bộ năng lượng vào các cuộc công kích mang tính đảng phái".

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Lầu Năm Góc hợp tác điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump
Lầu Năm Góc hợp tác điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 13/10 cho biết Lầu Năm Góc sẽ hợp tác với cuộc điều tra luận tội của Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát nhằm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN