Gói cải cách thuế của Tổng thống Trump khiến kẻ khóc người cười

Ngay trước thềm Giáng sinh 2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký phê chuẩn kế hoạch cải cách thuế đầy tham vọng trị giá 1.500 tỷ USD của đảng Cộng hòa để ban hành thành luật.

Tổng thống Mỹ phê chuẩn dự luật cải cách thuế và ngân sách ngắn hạn. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là cuộc cải cách thuế lớn nhất trong 30 năm qua ở Mỹ và là thành công pháp lý đáng kể nhất của ông Trump kể từ khi nhậm chức. Tuy nhiên, gói cái cách thuế này nhận được những phản ứng trái chiều từ trong nội bộ nước Mỹ.

"Càng kiếm được nhiều tiền, càng tiết kiệm được nhiều tiền thuế"

Gói cải cách thuế mới mang phong cách kinh doanh điển hình "càng mua nhiều càng được khuyến mãi nhiều" của người Mỹ. Những nội dung chính của luật thuế mới bao gồm giảm thuế cho các doanh nghiệp và người giàu, sửa đổi cách tính thuế với các công ty đa quốc gia, giảm thuế cho chủ sở hữu các doanh nghiệp "truyền từ đời này sang đời khác". Luật mới giảm nhóm đối tượng bị đóng thuế từ 7 xuống còn 4, chịu các mức thuế 12%, 25%, 35% và 37% - tất cả những mức thuế mới này đều giảm hoặc giữ nguyên so với trước. Tuy nhiên, nhóm có thu nhập càng cao càng được giảm thuế nhiều trong khi nhóm nhóm có thu nhập thấp nhất vẫn phải chịu mức thuế cũ.

Đối với doanh nghiệp, dù mức thuế kinh doanh không được hạ xuống còn 15% như cam kết tranh cử, song được ấn định là 21% - mức thấp nhất kể từ năm 1939 đến nay. Ngoài ra, nếu các công ty Mỹ chuyển thu nhập từ các chi nhánh hải ngoại về nước Mỹ, những khoản thu nhập đó chỉ chịu mức thuế chỉ bằng một nửa mức áp dụng đối với thu nhập trong nước, tức là 10,5% so với mức trần mới 21%.

Trước đây, các công ty sẽ bị áp thuế 35% nếu như họ chuyển thu nhập từ hải ngoại về Mỹ. Do đó, luật mới được kỳ vọng sẽ khuyến khích các công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ cao, tái đầu tư về Mỹ.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố gói cải cách thuế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tầng lớp trung lưu, mang lại sự thịnh vượng cho mọi tầng lớp xã hội khi thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng để bù đắp cho phần thuế bị cắt giảm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại Mỹ cho rằng, những khoản giảm thuế của ông Trump chỉ có lợi cho người giàu.

Theo một nghiên cứu, 1% những người giàu có nhất nước Mỹ (tức có mức thu nhập tối thiểu 730.000 USD/năm) sẽ hưởng tới 50% tất cả các lợi ích từ gói cắt giảm thuế, với mức thu nhập sau khi nộp thuế của họ sẽ tăng trung bình 8,5%. Trái lại, gói thuế mới không hầu như không đem lại lợi ích cho người nghèo. Đơn giản là thu nhập càng thấp thì khoản giảm thuế càng thấp hoặc thậm chí là không được giảm trong khi luật mới lại lại xóa bỏ khoản miễn trừ thuế 4.500 USD đối với mỗi con cái hoặc người phụ thuộc.

Mặt khác, để bù đắp lại khoản thâm hụt ngân sách do các khoản giảm thuế gây ra, chính quyền sẽ hủy bỏ một loạt chương trình trợ phúc lợi như bảo hiểm y tế Medicare, An sinh xã hội...

Theo ước tính của Trung tâm Chính sách Thuế, tính trung bình một gia đình Mỹ sẽ chỉ được giảm khoảng 2% tiền thuế tương đương 1.200 USD trong năm nay.

Trong mấy thập niên qua, người giàu ở Mỹ ngày một giàu thêm trong khi người nghèo và tầng lớp trung lưu chỉ cải thiện được không đáng kể điều kiện sống. Tính từ giữa thế kỷ 20 đến nay, nhóm 1% người giàu đã tăng được hơn gấp đôi thị phần của họ trong tổng thu nhập quốc gia, từ chỗ chiếm chưa tới 10% lên chiếm hơn 20%.

Giới kinh tế cho rằng gói cải cách thuế mới sẽ khiến tình trạng bất bình đẳng thu nhập càng thêm tồi tệ. Bởi lẽ luật mới “ưu ái” người giàu và con cái của họ thông qua việc giúp làm tăng giá trị tài sản tính bằng cổ phiếu của người giàu, tạo ra những lỗ hổng mới để họ tránh bị đánh thuế, và giảm thuế thừa kế. Trái lại, chính sách thuế mới khiến cho những người lao động có thu nhập thấp và trung bình càng khó có thể dành dụm để đầu tư cho con cái đồng thời làm tăng số người Mỹ không có bảo hiểm y tế.

“Theo kế hoạch này, thì những người Mỹ giàu nhất và những công ty giàu nhất sẽ hưởng lợi, còn tầng lớp trung lưu có tiếng mà chẳng có miếng”, ông Chuck Schumer, nhân vật cấp cao nhất của Đảng Dân chủ trong Thượng viện Mỹ, chỉ trích. “Đây không phải kế hoạch cải cách thuế, đây là món quà cho giới thượng lưu được trả bằng tiền của tầng lớp trung lưu”, thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định.

Kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng hay đi xuống?

Những lợi ích mà gói cải cách thuế đem lại cho nền kinh tế Mỹ nói chung cũng đang là vấn đề gây tranh cãi. Với kế hoạch cải cách này, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa kỳ vọng trong 10 năm tới nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng. Nhưng có những ý kiến bày tỏ lo ngại rằng để thực hiện kế hoạch cải cách này, ngân sách của Mỹ sẽ càng thêm thâm hụt.

Nợ công của Mỹ, hiện đã lên tới 20.000 tỷ USD, sẽ tiếp tục tăng thêm khoảng 1.400 tỷ USD. Theo ước tính, luật thuế mới sẽ khiến thâm hụt của nước Mỹ tăng thêm gần 448 tỷ USD trong 10 năm tới. Trên lý thuyết, luật mới sẽ giúp GDP tăng thêm 1,7%/năm, tạo ra 339.000 việc làm và giúp lương tăng 1,5%. Tuy nhiên, nhiều công ty lớn như Cisco, Pfizer, và Coca-Cola đã xác nhận rằng họ sẽ không dùng các khoản cắt giảm thuế để tạo việc làm mới. Những công ty này đang sở hữu nguồn dự trữ tiền mặt khổng lồ 2.300 tỷ USD, cao hơn gấp đôi mức của năm 2001. Thay vào đó, họ sẽ dùng số tiền thuế tiết kiệm được để trả cổ tức cho cổ đông. Do vậy, trên thực tế, giảm thuế công ty sẽ giúp làm tăng giá cổ phiếu, chứ không tạo ra việc làm.

Tổng thống Trump tuyên bố rằng luật thuế mới sẽ giúp đưa các nhà máy trở về với nước Mỹ. Tuy nhiên, những người bi quan cho rằng các khoản cắt giảm thuế sẽ càng kích thích các công ty Mỹ chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài. Bởi lẽ ngoài ưu đãi về thuế đối với thu nhập ở hải ngoại, luật mới cho phép các công ty không phải đóng thuế đối với những khoản thu nhập từ các nhà máy và thiết bị đặt ở hải ngoại, nếu như những khoản thu đó chiếm chưa tới 10% tổng vốn đầu tư của họ.

Bên ngoài nước Mỹ, gói cải cách thuế của ông Trump cũng khiến nhiều nước quan ngại. Luật thuế mới của Mỹ có nguy cơ thách thức trật tự kinh tế thế giới, tạo ra một sân chơi không công bằng và châm ngòi cho một cuộc chạy đua giảm thuế kinh doanh giữa các quốc gia.

Trước mắt, cuộc cải cách này đang gây căng thẳng cho những mối quan hệ kinh tế, làm gia tăng quan ngại rằng Tổng thống Trump đang thúc đẩy một chương trình chủ nghĩa dân tộc, gây hại cho các quốc gia khác.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo về nguy cơ chiến tranh mậu dịch, với ngụ í rằng họ có thể thách thức các quy định thuế mới của Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới. Bởi lẽ chính sách thuế thấp có thể vi phạm thỏa thuận giữa các nền kinh tế phát triển về việc cấm trợ giá cho mặt hàng xuất khẩu.

Quả thực, mức thuế kinh doanh mới 21% khiến nước Mỹ từ vị trí hàng đầu trong nhóm nước áp thuế cao nhất thế giới xuống hàng chót. Những nước như Australia, Pháp, Đức và Nhật Bản trên thực tế đều áp đặt mức thuế kinh doanh thấp nhất là 30%. Do vậy, chắc chắn họ sẽ bị áp lực phải theo gót Mỹ cải cách thuế.

Những quốc gia lâu nay dùng thuế mức thuế thấp làm lợi thế cạnh tranh với Mỹ, cũng phải đối diện với áp lực rất lớn khi các công ty của Mỹ tới đây sẽ chuyển thu nhập ở hải ngoại về nước để hưởng những ưu đãi về thuế. Đơn cử như Trung Quốc, nước thường xuyên bị Tổng thống Trump chỉ trích vì các tập quán thương mại, có thể buộc phải lao vào cuộc chạy đua thuế. Có tin các quan chức Trung Quốc đã sẵn sàng áp dụng những biện pháp tự vệ để bảo vệ nền kinh tế và sức cạnh tranh của mình.

Minh Nga (P/v TTXVN tại New York)
Dự luật cải cách thuế củng cố thêm quyền lực của ông Trump
Dự luật cải cách thuế củng cố thêm quyền lực của ông Trump

Ngày 22/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành dự luật cải cách thuế do đảng Cộng hòa đề xuất trị giá 1.500 tỷ USD, củng cố chiến thắng lập pháp lớn nhất của ông Trump trong năm đầu lên nắm quyền. Tổng thống Trump cũng đồng thời phê chuẩn một dự luật chi tiêu ngắn hạn giúp Mỹ tạm tránh khỏi nguy cơ phải đóng cửa chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN