Giới khoa học cảnh báo nguy cơ bão chồng bão kèm mưa lớn sẽ đến sớm hơn

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ, nhiệt độ đại dương tăng cao đã khiến các cơn bão mạnh xuất hiện sớm hơn trung bình khoảng hai tuần so với 40 năm trước, nguy cơ xảy ra bão chồng bão với lượng mưa cực lớn vào mùa hè cũng lớn hơn.

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ chèo thuyền qua một khu phố ở Bắc Kinh vào ngày 1/8, sau khi thủ đô của Trung Quốc hứng chịu mưa lớn do bão Doksuri. Ảnh: Reuters

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng những cơn bão dữ dội kết hợp cùng lượng mưa lớn có thể gây ra tác động thảm khốc cho nhân loại. Họ khuyến nghị các chính phủ nên đưa ra kế hoạch thích ứng để bảo vệ những người có nguy cơ cao trước những thiệt hại do bão nhiệt đới gây ra.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, Đại học Khoa học - Công nghệ miền Nam ở Thâm Quyến, Đại học Hải dương Trung Quốc ở Thanh Đảo và Đại học Hawaii ở Manoa đã công bố phát hiện mới này trên Tạp chí Nature vào tuần trước.

Theo phân tích dữ liệu vệ tinh từ năm 1981 đến năm 2017, các cơn bão nhiệt đới dữ dội - có tốc độ gió tối đa 203,7km/h - đã xảy ra sớm hơn ở cả hai bán cầu Bắc và Nam.

Trong các thập kỷ kể từ những năm 1980, những cơn bão này đã dịch chuyển sớm hơn trung bình 3,7 ngày ở Bắc bán cầu và 3,2 ngày ở Nam bán cầu. Theo nghiên cứu, sự thay đổi này chỉ đáng chú ý đối với những cơn bão mạnh, không kể những cơn bão ít nghiêm trọng hơn.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng khí thải nhà kính đã khiến nhiệt độ nước biển tăng nhanh hơn, dẫn đến các cơn bão nhiệt đới dữ dội sự xuất hiện sớm hơn.

“Những phát hiện của chúng tôi có ý nghĩa liên quan trực tiếp đến việc quản lý rủi ro các thảm họa, liên quan đến bão nhiệt đới trong điều kiện khí hậu ấm lên”, các nhà nghiên cứu nói và lưu ý rằng xu hướng xuất hiện các cơn bão nhiệt đới dữ dội trước thể hiện rõ nhất ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương - khu vực có nhiều hoạt động bão nhiệt đới nhất trên thế giới.

Các nhà nghiên cứu cũng đã phân tích các dữ liệu khí hậu ở miền nam Trung Quốc. Họ nhận thấy các đợt mưa cực đoan thường bắt đầu đạt đỉnh vào tháng 6 do hệ thống gió mùa mùa hè và quay trở lại vào tháng 10 do bão đổ bộ.

Tuy nhiên, lượng mưa cực lớn trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 đã gia tăng rõ rệt theo thời gian. Nguyên nhân là do các cơn bão dữ dội kéo đến sớm hơn. Các nhà khoa học cũng quan sát thấy xu hướng tương tự tại Vịnh Mexico, một khu vực cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão nhiệt đới.

Ông Song Fengfei – tác giả của bài báo, Giáo sư tại Đại học Hải dương Trung Quốc và Phòng thí nghiệm Lao Sơn – giải thích rằng, biến đổi khí hậu khiến đại dương trở nên ấm hơn vào mùa hè, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơn bão hình thành sớm hơn các đợt cao điểm thông thường vào mùa thu.

“Khi bão xuất hiện cùng thời điểm với mưa gió mùa, thiệt hại về người và môi trường có sức tàn phá nặng nề hơn”, ông Song nói.

Ông cho biết nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phân tích mối quan hệ giữa hiện tượng nóng lên toàn cầu với các cơn bão. Trong đó, các nhà khoa học sẽ điều tra xem biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng như thế nào đến mùa bão trong tương lai và đánh giá tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan chồng chéo.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Trung Quốc hủy nhiều chuyến bay và đóng cửa trường học do bão Koinu
Trung Quốc hủy nhiều chuyến bay và đóng cửa trường học do bão Koinu

Ngày 4/10, chính quyền vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục tại 5 huyện, thành phố đóng cửa, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân và sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão Koinu, dự kiến sẽ đổ bộ lên hòn đảo này vào sáng 5/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN