Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, hội nghị của nhóm chuyên gia cố vấn của Chính phủ Nhật Bản đã thống nhất quan điểm tiếp tục gia hạn các biện pháp hạn chế để phòng đại dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo và 12 tỉnh khác thêm 3 tuần, tức là kéo dài đến ngày 6/3, thay vì kết thúc vào 13/2 như dự kiến ban đầu. Ngoài ra, tỉnh Kochi sẽ được bổ sung vào danh sách và trở thành địa phương thứ 36 trên cả nước áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm.
Tuy nhiên, về định hướng thời gian tới, ông Shigeru nhấn mạnh sự cần thiết của việc điều chỉnh hướng tiếp cận về chính sách để có thể ngăn chặn sự lây lan nghiêm trọng của biến thể Omicron tại Nhật Bản. Theo đó, qua theo dõi quá trình xâm nhập và lây lan của biến thể Omicron tại Nhật Bản, các chuyên gia thấy nổi lên một số đặc điểm đáng chú ý. Đó là khác với giai đoạn đầu của làn sóng lây nhiễm thứ 6 với đối tượng nhiễm bệnh chủ yếu là người trẻ độ tuổi 20-30, hiện nay xu hướng chuyển dịch sang nhóm đối tượng là người già, người mắc bệnh nền và trẻ em dưới 10 tuổi. Bên cạnh đó, việc lây nhiễm biến thể Omicron không còn giới hạn chủ yếu tại các khu vực tập trung đông người như nhà hàng, trung tâm mua sắm mà xuất hiện nhiều hơn trong phạm vi gia đình, trường học.
Do đó, các chuyên gia cố vấn của Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất nhóm giải pháp mới thích ứng với diễn biến của biến thể Omicron, trong đó đề cập việc khẩn trương chuyển trạng thái của hệ thống y tế sang tập trung ưu tiên chăm sóc cho người cao tuổi có nguy cơ bị nặng, người mắc bệnh nền và đảm bảo an toàn cho trẻ em tại trường học. Đặc biệt là trách nhiệm của người lớn trong việc hỗ trợ trẻ em thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch cơ bản như rửa tay, sát khuẩn, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang.
Liên quan đến những quan điểm khác nhau về việc khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế-xã hội khi dịch bệnh có dấu hiệu tạm lắng, ông Shigeru cho rằng điều này cần phải được xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học, bao gồm đánh giá chi tiết điểm giống và khác nhau giữa các triệu chứng nhiễm biến thể Omicron với bệnh cúm thông thường. Ngoài ra, cần đánh giá kỹ năng lực xét nghiệm, tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 của các cơ sở y tế khi các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường.
Trong một diễn biến khác, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ Nhật Bản, trung tâm tiêm chủng quy mô lớn do Bộ Quốc phòng nước này điều hành ở thủ đô Tokyo, thông báo từ ngày 10/2, trung tâm sẽ mở rộng năng lực tiêm lên tới 5.040 lượt người/ngày, tăng đáng kể so với năng lực 720 người/ngày trong tuần đầu triển khai. Trong khi đó, theo dự kiến, một trung tâm tiêm chủng quy mô lớn khác đặt tại tỉnh Osaka cũng sẽ chính thức vận hành từ ngày 14/2 với năng lực khoảng 2.500 lượt/ngày.
Theo Bộ trưởng phụ trách vấn đề tiêm chủng của Nhật Bản Noriko Horiuchi, chính phủ nước này đang nỗ lực hết sức hướng tới mục tiêu tiêm được 1 triệu lượt/ngày để đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ ba cho người dân. Đây được xem là biện pháp cơ bản nhất để bảo vệ sức khỏe của người dân và ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 đã diễn biến phức tạp hơn tại Nhật Bản.