Giới chuyên gia Mỹ: Phải tăng gấp 3 lượng xét nghiệm COVID-19 mới có thể mở cửa trở lại

Xét nghiệm COVID-19 phải tăng ít nhất gấp 2-3 lần so với mức hiện tại mới đủ an toàn để mở cửa dù chỉ một phần nền kinh tế Mỹ - giới chuyên gia y tế nhìn nhận.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại New York, Mỹ ngày 3/4/2020.
Ảnh: THX/TTXVN

Nếu không có xét nghiệm chẩn đoán trên diện rộng, giới chức liên bang, bang và các công ty tư nhân sẽ không có được bức tranh rõ ràng để xác định đâu là đối tượng bị nhiễm bệnh, ai là người có thể trở lại đi làm an toàn, virus SARS-CoV-2 lây lan, phát tán ra sao và đâu là thời điểm để nới lỏng lệnh ở nhà. Theo Dylan George, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là cố vấn của cựu Tổng thống Barack Obama tại thời điểm chống dịch Ebola, tình hình hiện nay chưa đáp ứng được các yêu cầu về mở cửa trở lại và xét nghiệm là vấn đề cần thiết muôn thuở. 

Tiến sĩ Dan Hanfling, công tác tại Chương trình Ứng phó Y tế Quốc gia dưới thời Tổng thống Obama và chính quyền Trump cho biết, hiện mới chỉ có 1% dân số Mỹ được xét nghiệm COVID-19, một tỉ lệ quá nhỏ để nước Mỹ đạt tới ngưỡng đưa nhịp sống của người dân và xã hội trở lại bình thường. Ông Hanfling đánh giá cao chỉ thị về ba bước mở cửa trở lại nền kinh tế được ông Trump công bố ngày 16/4. Nhưng ông vẫn cho rằng những hướng dẫn này “phụ thuộc lớn” vào xét nghiệm phân tử và xét nghiệm kháng thể và ở thời điểm hiện nay năng lực của Mỹ trong xét nghiệm theo cả hai phương pháp này đều hạn chế. 

Chính quyền Tổng thống Trump bảo vệ vai trò của mình trong việc mở rộng xét nghiệm, đồng thời cho biết đang chuẩn bị một chiến lược xét nghiệm để hỗ trợ kế hoạch mở cửa đất nước trở lại. Giới chức chuyên môn đang xem xét lựa chọn biện pháp để đẩy mạnh ứng dụng cả hai phương pháp xét nghiệm này, hướng đến mục tiêu xét nghiệm theo khu vực địa lý và từng ngành kinh tế cụ thể. 

Gia tăng xét nghiệm trên diện rộng luôn là một nhiệm vụ thách thức ngay cả với một chính quyền liên bang hoàn hảo nhất và tập trung nhiều người giỏi nhất. Hôm 6/3, Tổng thống Trump tuyên bố bất kỳ ai muốn xét nghiệm đều sẽ được toại nguyện, nhưng nay điều đó vẫn chưa thành hiện thực. Đến ngày 13/3, chính quyền cho quảng bá trên một website của Google hướng dẫn người dân Mỹ đến các địa điểm làm xét nghiệm COVID-19. Cổng thông tin này được mở sau đó hai tuần, nhưng không có thông tin cập nhật nào. 

Theo Dự án Theo dõi COVID (COVID Tracking Project), trong tuần qua, trung bình mỗi ngày Mỹ thực hiện 145.000 ca xét nghiệm trên toàn quốc, tương đương với mức 1 triệu lượt/tuần. Giới chuyên gia chưa thống nhất được số lượng cụ thể ca xét nghiệm cần thực hiện để kiểm soát bệnh dịch. Nhưng ngay đề xuất bảo thủ nhất của Scott Gottlieb - cựu Giám đốc cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) cũng đặt ra yêu cầu phải nâng ít nhất lên gấp đôi mức hiện nay và gấp ba lần tại thời điểm mùa thu. Một số chuyên gia khác như Divya Siddarth và E. Glen Weyl thuộc tập đoàn Microsoft cho rằng xét nghiệm phải đạt ngưỡng hàng triệu ca/ngày, thậm chí cả chục triệu ca/ngày, để bảo đảm có từ 2-8% dân số được xét nghiệm. 

Mục tiêu có thể khác nhau, nhưng hiện chưa biết khi nào nước Mỹ mới có thể mở rộng quy mô xét nghiệm đến những mốc này dù ông Trump trước đó đề xuất một số khu vực có thể mở cửa trở lại vào đầu tháng 5 hoặc sớm hơn. Trong khi đó quan chức các bang và bệnh viện tiếp tục lên tiếng về tình trạng thiếu que thử, thuốc thử và các vật dụng cần thiết cho các bộ kit hoàn chỉnh. Erick Blank, quan chức phụ trách chương trình thuộc Hiệp hội các Phòng xét nghiệm sức khỏe cộng đồng – cơ quan đại diện cho các phòng xét nghiệm của chính quyền bang và liên bang cho biết, nguồn cung hạn hẹp vật dụng, thiết bị xét nghiệm không có nhiều chuyển biến, tình trạng hiện vẫn như ở thời điểm cuối tháng 2, khi xét nghiệm lần đầu tiên được thực hiện tăng tốc. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại San Francisco, California ngày 12/3/2020. Ảnh: AFP/Getty Images

Các phòng xét nghiệm tư nhân giữ vai trò quyết định

Các phòng xét nghiệm công cấp bang có năng lực hạn chế, khó có thể mở rộng được quy mô xét nghiệm. Và để xét nghiệm trên quy mô rộng, cần có sự vào cuộc của các phòng xét nghiệm tư. Ngay cả trong thời điểm các thống đốc bang, giới bác sĩ kêu gọi tăng lượng xét nghiệm và vật tư phục vụ xét nghiệm, một số phòng xét nghiệm tư nhân lớn cho biết họ vẫn chưa sử dụng hết công suất, năng lực. Người phát ngôn của Quest Diagnostics - một trong những công ty vận hành phòng xét nghiệm lớn nhất tại Mỹ, cho biết năng lực của công ty trong vài ngày gần đây vượt trội so với nhu cầu xét nghiệm. Còn phòng xét nghiệm của tập đoàn Abbott thừa nhận 200 máy xét nghiệm mà công ty triển khai tới phòng xét nghiệm tại các bệnh viện, trung tâm nghiên cứu trên khắp nước Mỹ vẫn chưa được sử dụng hết công suất, một phần là do thiếu nhân lực và thiếu nguồn cung ứng vật tư. 

Hiện chưa rõ đâu là lý do dẫn đến sự vênh nhau giữa nhu cầu và năng lực xét nghiệm. Nhưng các chuyên gia y tế, vận hành chính sách khẳng định thực trạng này đòi hỏi phải có sự điều phối liên bang nhiều hơn nữa. Theo Simon Johnson, giáo sư chuyên ngành quản lý và các vấn đề kinh tế toàn cầu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), các nhà sản xuất chỉ đầu tư nâng cấp năng lực một khi họ tin rằng có nhu cầu ở phía trước. Muốn vậy, Nhà Trắng phải đưa ra tín hiệu cho thấy nước Mỹ sẽ tiến hành hàng triệu ca xét nghiệm/ngày. Trong khi đó lãnh đạo các hiệp hội thương mại đại diện cho các phòng xét nghiệm tư cho biết họ vẫn chưa được tham vấn về bất kỳ một đề xuất xét nghiệm nào từ chính quyền Tổng thống Trump. 

Đức và Hàn Quốc - hai nước phát hiện những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên cùng thời điểm với Mỹ, đã đẩy mạnh xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2. Kết quả cả hai đều đã có được thành công trong kiểm soát mức độ lây lan của dịch. Ở cả hai nước này, việc xét nghiệm đều được điều phối và tổ chức ở cấp quốc gia. Đây là điều nước Mỹ cũng đang thiếu. Theo Kenneth Bernard, người làm cố vấn cho chính quyền Bill Clinton và George W. Bush về bệnh truyền nhiễm, chính quyền liên bang cần phải lĩnh trách nhiệm và đổ nguồn lực thông qua Cơ quan Quản lý Tình trạng khẩn cấp (FEMA) để mở rộng quy mô xét nghiệm lên mức hàng triệu ca/ngày, nhờ vào các cơ sở xét nghiệm bang và tư nhân. 

Thế nhưng Tổng thống Mỹ cho đến thời điểm này vẫn rất miễn cưỡng đẩy vai trò của quyền lực liên bang trong đối phó với dịch COVID-19, coi chính quyền liên bang chỉ đóng vai trò hỗ trợ các bang.

Hoài Thanh (Theo NBCNews)
Roche phát triển xét nghiệm huyết thanh để phát hiện kháng thể COVID-19
Roche phát triển xét nghiệm huyết thanh để phát hiện kháng thể COVID-19

Công ty dược phẩm Roche Holding AG, hàng đầu Thụy Sĩ, đã phát triển xét nghiệm tìm kháng thể ở những người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và dự định đưa ra thị trường vào đầu tháng tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN