Giới chức Trung Quốc nhấn mạnh Trung - Mỹ cần giải quyết bất đồng

Trung Quốc và Mỹ cần giải quyết những bất đồng và thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trong tương lai. Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn ngày 10/11 đã nhận định trên trong buổi tiếp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại thủ đô Bắc Kinh.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn (trái) tiếp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (phải) tại thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: xinhuanet.com

Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh mối quan hệ Trung-Mỹ trải qua những giai đoạn thăng trầm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây gần 4 thập niên, song mối quan hệ này nhìn chung đã tiến triển. Ông khẳng định điều này không chỉ mang lại những lợi ích lớn lao cho nhân dân hai nước, mà còn góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới.

Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh rằng những bài học lịch sử cho thấy rằng sự tôn trọng lẫn nhau, tham vấn bình đẳng và hợp tác đôi bên cùng có lợi là lựa chọn đúng đắn duy nhất thúc đẩy quan hệ song phương. Ông kêu gọi hai nước đi theo xu hướng thời đại, tiếp tục củng cố sự hiểu biết lẫn nhau cũng như tăng cường trao đổi và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, giải quyết thỏa đáng những bất đồng và tìm ra các cách thức hòa hợp với nhau trong những tình hình mới, nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trong 4 thập niên tiếp theo.

Về phần mình, cựu Ngoại trưởng Kissinger cho rằng giữa Mỹ và Trung Quốc có nhiều lợi ích chung hơn là bất đồng, đồng thời bày tỏ sự nhất trí rằng hai nước cần giải quyết các vấn đề hiện nay thông qua đối thoại và tham vấn bình đẳng để đạt được đồng thuận về phát triển quan hệ song phương trong tương lai. Ông cũng tuyên bố sẵn sàng nỗ lực để đạt được kết quả này.

Những tháng gần đây, Trung Quốc và Mỹ trả đũa lẫn nhau bằng cách liên tiếp áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của bên kia. Không bên nào chịu "xuống nước", khiến các tranh cãi thương mại này làm rung chuyển các thị trường tài chính và phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa tiếp tục áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD nếu hai bên không thể đạt một thỏa thuận về thương mại.

Theo giới chuyên gia, một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - có thể sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vốn vừa có dấu hiệu phục hồi sẽ suy giảm trở lại. Cụ thể, nếu bùng phát cuộc chiến thương mại áp dụng các biện pháp trừng phạt về thuế lẫn nhau giữa Mỹ với các nước Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Canada, Mexico, Hàn Quốc thì ước tính trong khoảng thời gian 5 năm (từ 2019-2023), tốc độ tăng trưởng sẽ giảm 2,7% so với trường hợp không xảy ra cuộc chiến thương mại.

Báo cáo về Thương mại và Phát triển năm 2018 do Hội nghị Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố cuối tháng 9 vừa qua cho rằng tình trạng này sẽ khiến các nước có xuất siêu thương mại bị thu hẹp lại, như Trung Quốc, Nhật Bản, sẽ hạ tỷ suất hối đoái tiền tệ nhằm duy trì sức cạnh tranh. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp cắt giảm mức lương công nhân sẽ dẫn đến sự suy giảm nhu cầu và đầu tư trong nước.

Báo cáo thường niên của UNCTAD nhận định, 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính (2008-2018), nền kinh tế toàn cầu vẫn còn bất ổn, đặc biệt sự leo thang không ngừng của hàng rào thuế quan thương mại thời gian gần đây là một mối quan ngại lớn hơn, bởi vì nó sẽ làm nhiễu loạn hệ thống thương mại quốc tế, làm gia tăng tính bất ổn của thị trường và thu hẹp đầu tư, từ đó đem lại những tác động tai hại cho sự phát triển kinh tế trung hạn toàn cầu.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định nếu cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ tiếp tục mở rộng, những tác động tiêu cực mà Mỹ phải chịu sẽ lớn hơn Trung Quốc.

Các chuyên gia kinh tế của ECB đã thực nghiệm mô phỏng trên mô hình máy tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và của chính ECB, đặt ra trường hợp Mỹ áp đặt mức thuế 10% trên tất cả các hàng hóa nhập khẩu, các nước bị áp thuế có các biện pháp trả đũa tương ứng. Kết quả cho thấy tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm 2% trong năm đầu của cuộc chiến thương mại, chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ sẽ tăng lên, các doanh nghiệp giảm đầu tư và cắt giảm biên chế. Trong khi đó, thương mại toàn cầu sẽ chịu tổn thất 3%. Nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm nhưng Trung Quốc có thể chuyển hướng xuất khẩu sang các nước khác, qua đó sẽ giảm nhập khẩu từ Mỹ của các nước này.

Minh Châu (TTXVN)
Trung Quốc nhận định về khả năng giải quyết mâu thuẫn thương mại với Mỹ
Trung Quốc nhận định về khả năng giải quyết mâu thuẫn thương mại với Mỹ

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể được giải quyết thông qua đối thoại. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN