Trong thông báo ngày 7/9, Boeing cho biết hãng này đã quyết định kiểm tra và sửa chữa 8 máy bay liên quan tới sự cố trên trước khi có thể được đưa trở lại hoạt động. Boeing đã xác định được hai vấn đề trong khâu xử lý mối nối tại một phần thân máy bay ở một số máy bay 787 Dreamliner, không đáp ứng được các tiêu chuẩn thiết kế. Tuy nhiên, Boeing khẳng định với FAA rằng những sai sót vừa đề cập không gây ảnh hưởng ngay lập tức tới mức độ an toàn của dòng máy bay thân rộng này.
Thông báo của Boeing nêu rõ: “Chúng tôi ngay lập tức liên hệ với các hãng hàng không vận hành 8 máy bay bị ảnh hưởng để thông báo về tình hình và những máy bay này đã tạm thời không được sử dụng cho đến tới khi hoàn thành công tác sửa chữa.”
Ngoài ra, Boeing cũng thông báo đang kiểm tra các máy bay trong quá trình sản xuất để đảm bảo mọi vấn đề được giải quyết trước khi giao hàng.
Theo thông báo nội bộ của FAA, cơ quan này có thể sẽ phải kiểm tra các lỗi kiểm soát chất lượng nhiều khả năng đã tồn tại suốt 10 năm qua.
Trong khi đó, trên bản ghi nhớ đề ngày 31/8/2020 mà tờ Wall Street Journal được tiếp cận, hãng Boeing đã thông báo tới cơ quan quản lý an toàn hàng không của Mỹ rằng một số phụ tùng mà hãng sản xuất tại các nhà máy ở bang Carolina Nam không đáp ứng tiêu chuẩn về thiết kế và sản xuất của chính hãng. Và do một số bộ phận thân sau của máy bay không đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất cho nên FAA đang cân nhắc có thể phải kiểm tra triệt để và bắt buộc đối với hàng trăm máy bay của Boeing.
Nếu như vậy, việc kiểm tra của FAA có thể sẽ phải được tiến hành đối với khoảng 900 máy bay dòng Dreamliner trong tổng số 1.000 chiếc được sản xuất và đưa ra thị trường kể từ năm 2011. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng có phải kiểm tra triệt để diện rộng như vậy không còn phụ thuộc vào kết quả đánh giá tình hình của cả hãng Boeing cũng như cơ quan quản lý hàng không.
Hiện tại, hãng Boeing khẳng định với FAA rằng lỗi do chất lượng chưa đạt đó không gây ảnh hưởng ngay lập tức tới mức độ an toàn của dòng máy bay Dreamliner. Dòng máy bay thân rộng này có mức độ an toàn rất cao và thường được sử dụng cho các chuyến bay quốc tế. Phía FAA hiện chưa quyết định sẽ tiến hành bước gì tiếp theo ngay lúc này và cũng chưa công khai bật tín hiệu về những bước tiếp theo họ định tiến hành.
Cũng trong ngày 7/9, FAA đã ra thông cáo báo chí tuyên bố cơ quan này đang tiến hành điều tra các lỗi sản xuất có thể ảnh hưởng tới một số máy bay Boeing 787 và hiện vẫn còn quá sơm để có thể đưa ra kết luận. Những lỗi sản xuất mới dù nhỏ này lại một lần nữa khiến Boeing gặp rắc rối và đồng thời cũng là phép thử đối với Giám đốc Điều hành hãng, ông David Calhoun sau khi hãng đã rơi vào khủng hoảng vì 2 vụ tai nạn thảm khốc xảy ra với dòng máy bay 737 MAX khiến 346 người thiệt mạng.
Hiện một số hãng hàng không có máy bay Boeing Dreamliner cần phải sửa chữa ngay là United Airlies, Air Canada, All Nippon Airways, Singapore Airlines, Air Europa Líneas Aéreas S.A.U., Norwegian Air Shuttle và Etihad Airways. Động thái của Boeing yêu cầu ngừng sử dụng ngay máy bay Dreamliner lần này trái hẳn với cách mà hãng sản xuất máy bay khổng lồ này đã phản ứng trước đó trong hai vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX. Sau vụ tai nạn thứ hai xảy ra vào tháng 3/2019 tại Ethiopia, Boeing không hề kêu gọi ngừng sử dụng dòng máy bay 737 MAX ngay lập tức mà chính các cơ quan quản lý hàng không trên toàn cầu đã phải ban hành lệnh cấm bay với dòng máy bay đó.