Cuộc chiến ở sân bay Donetsk đã trở thành tâm điểm trong các cuộc giao tranh đẫm máu gần đây giữa quân đội Ukraine và phe ly khai.Nhìn từ trên cao, cả khu vực này trông không khác gì một đống đổ nát, không có bất kì một dấu hiệu nào của sự sống. Thế nhưng trên thực địa, đây lại là nơi diễn ra những cuộc bắn phá ác liệt nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2.
Sân bay Donetsk đổ nát vì xung đột. Ảnh: AP |
Trận chiến giành giật sân bay này kéo dài trong nhiều tháng qua, nhưng trở nên đặc biệt nóng bỏng từ hôm 15/1 trở lại đây. Mức độ nghiêm trọng đến mức, cả hai bên đều nhiều lần tuyên bố thiết lập được quyền kiểm soát sân bay; nhưng rất khó có thể kiểm chứng được điều này. Mới nhất, ngày 20/1, quân đội Ukraine đã từ chối cung cấp thông tin về tình hình chiến sự tại đây, với lý do “đây là vấn đề riêng tư”.
Trên thực địa, các cuộc pháo kích diễn ra dồn dập. Quân ly khai hiện đã phong tỏa một con đường dẫn tới sân bay. Nhưng vì nhận thấy không thể kiểm soát toàn bộ khu vực này nên đã chuyển sang chiến thuật bao vây vòng ngoài từ xa, để binh sĩ Ukraine mắc kẹt. Về phần mình, để bảo vệ hành lang mới dẫn vào sân bay, quân đội Kiev cho triển khai rất nhiều xe tăng quanh đây, đưa đến một cục diện mà các nhà phân tích quân sự gọi là “trận chiến xe tăng lớn nhất kể từ Thế chiến thứ 2”.
Trận Stalingrad của riêng UkraineCảnh tượng đổ nát tại đây gợi lại những gì từng diễn ra ở Mặt trận phía Đông trong Chiến tranh thế giới 2. Một số người đã bắt đầu ví đây là “Trận Stalingrad” ở miền Đông Ukraine và của riêng người Ukraine, xét trên các khía cạnh giá trị chiến lược và giá trị biểu tượng.
Dân phòng Donetsk tuần tra trên một tuyến đường dẫn vào sân bay. Ảnh: Reuters |
Mark Galeotti, chuyên gia nghiên cứu về an ninh và lịch sử nước Nga tại Đại học New York (Mỹ) bình luận: Đối với Kiev, việc để mất sân bay Donetsk sẽ giáng một đòn đau vào quyết tâm đánh thẳng vào sào huyệt của quân ly khai; làm mất uy tín của chính quyền cũng như khả năng chiến đấu của quân đội. Ngược lại, giành được sân bay này, quân đội Ukraine sẽ có được điểm tựa chiến lược về hậu cần, triển khai các chiến dịch tấn công các địa điểm do phe ly khai kiểm soát tại cộng hòa Donestk (DPR) và Lugansk (LPR) tự xưng. Khi ưu thế, tương quan lực lượng còn đang ở thế giằng co, nếu quân chính phủ bao vây được thành phố thì họ cũng có thể bao vây sân bay, từ đó ít nhất ngăn khả năng tiếp tế về vũ khí, đạn dược.
Quy mô khu phức hợp này cũng là yếu tố rất đáng quan tâm. Sân bay Quốc tế Donetsk có chiều dài đường băng gần 4km, thuộc diện dài nhất ở châu Âu, đủ sức tiếp nhận các loại máy bay vận tải hạng nặng. Các đường băng này hiện bị cày nát bởi đạn cối, pháo. Nhưng xét trong dài hạn, bên nào kiểm soát được khu vực chiến lược này cũng sẽ có điều kiện thuận lợi để thiết lập các đầu cầu về giao thông và hậu cần. Với quân ly khai, đó sẽ là hạ tầng quan trọng để xây dựng một nhà nước độc lập ở Đông Ukraine như những gì mà các thủ lĩnh DPR tuyên bố.
Hiện chưa thể khẳng định “trận chiến Stalingrad” này có kết cục như thế nào và liệu nó có biến thành “trận Waterloo” chôn vùi toan tính của một bên nào đó hay không. Chỉ biết chắc một điều, cả Kiev và quân ly khai Donetsk đều đang phải trả những mức giá khá đắt về người. Quân đội Ukraine tuyên bố đã tiêu diệt hơn 300 tay súng ly khai trong chiến dịch tấn công sân bay Donetsk vừa qua. Trong khi đó dân phòng Donetsk cũng khẳng định hơn 200 binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong các cuộc giao tranh vài ngày trở lại đây.
Hiện tại, có vẻ như chưa bên nào thực sự giành được quyền kiểm soát.
Hoài Thanh (
Theo W.I.B, Uatoday)