Siêu ứng dụng dành cho giáo viên tại Indonesia
Giáo viên và học sinh tại trường học ở Banda Aceh, Indonesia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Các lớp học ở Indonesia có thể đông học sinh, nhưng chất lượng giáo dục lại không đạt yêu cầu. Quốc gia này có 12 năm giáo dục bắt buộc, với tỷ lệ nhập học gần 100% cho đến độ tuổi 12. Ở trường trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh trên giáo viên là 15:1, trong khi số lượng trường dạy nghề đã tăng lên.
Tuy nhiên, trong Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) năm 2022, Indonesia xếp thứ 69 trong tổng số 81 quốc gia và nền kinh tế. PISA đánh giá kỹ năng đọc, toán và khoa học của trẻ em 15 tuổi trên toàn thế giới.
Vào năm 2015, khi 1,6 triệu giáo viên Indonesia tham gia kỳ thi năng lực toàn quốc, hơn 80% không đạt tiêu chuẩn tối thiểu. Theo nhà phân tích chính sách giáo dục Indra Charismiadji, nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng giáo viên không cao là do mức lương thấp. Giáo viên Indonesia nhận lương khoảng 180-340 USD/tháng (4,5 – 8,6 triệu đồng).
Năm 2022, Bộ trưởng Giáo dục Indonesia khi đó Nadiem Makarim công khai thừa nhận cuộc khủng hoảng học tập của "Đất nước Vạn đảo".
Cuộc cải cách gần đây nhất, Merdeka Belajar, đã được thí điểm vào năm 2021 và chính thức trở thành chương trình giảng dạy quốc gia của Indonesia vào năm 2024. Ứng dụng Merdeka Mengajar của Merdeka Belajar được ra mắt năm 2022 để hỗ trợ giáo viên cho chương trình giảng dạy mới, đã nhanh chóng phát triển thành một "siêu ứng dụng".
Giám đốc giáo dục khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty tư vấn quản lý Oliver Wyman, bà Claudia Wang, cho biết: "Chỉ sau một năm rưỡi, Merdeka Mengajar đã tiếp cận được 80% giáo viên từ lớp 1 đến lớp 12". Bà và một nhóm nhà tư vấn đã thực hiện cuộc khảo sát hơn 100.000 giáo viên. Kết quả ban đầu được công bố năm 2023 cho thấy chuyên môn giáo viên đã tiến triển.
Giáo viên Syarafina Zahra tại Trường Tiểu học Al Azhar 5 Kemandoran sử dụng Merdeka Mengajar để lên giáo án và dành hơn 2 giờ mỗi tuần cho việc này. Tính năng yêu thích của cô trên Merdeka Mengajar là mạng xã hội, tạo điều kiện để giáo viên kết nối, chia sẻ cảm hứng và thành lập các nhóm hỗ trợ. Ngoài ra, cô nhận xét: "Chương trình giảng dạy này chú trọng hơn vào quá trình học tập của học sinh, đánh giá việc học hàng ngày của các em thay vì chỉ tập trung vào kết quả. Nó cũng đầu tư hơn vào việc học theo dự án”.
Tháng 7/2024, Bộ giáo dục Indonesia cho biết Merdeka Belajar được triển khai tại 90-95% các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông/trường dạy nghề trên toàn quốc. Những cải cách này chính là động lực thúc đẩy Indonesia hướng tới mục tiêu, bao gồm việc sở hữu hệ thống giáo dục "có khả năng cạnh tranh quốc tế" vào năm 2025 và tăng số lượng các trường đại học Indonesia góp mặt trong top 500 thế giới.
Ấn Độ - công nghệ giáo dục trong lớp học
Học sinh tại một trường học ở Amritsar, Ấn Độ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Quốc gia đông dân nhất thế giới Ấn Độ tồn tại vấn đề nhức nhối về khoảng cách giáo dục lớn do địa lý và kinh tế xã hội. So với khu vực nông thôn, thành tích học tập ở thành thị thường có xu hướng tốt hơn. Hơn nữa, các cộng đồng kém may mắn ở cả hai khu vực đều không được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng.
Công nghệ giáo dục vào những năm 2000 đã hứa hẹn sẽ cân bằng khoảng trống nhưng đã không thực hiện được điều này. Trong 5 năm qua, hơn 2.000 công ty công nghệ giáo dục của Ấn Độ đã đóng cửa.
Ấn Độ hiện có hơn 260 triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nhập học giáo dục đại học lên 50% vào năm 2035 và đạt tỷ lệ biết chữ 100% vào năm 2030. Tỷ lệ biết chữ đã cải thiện qua nhiều năm, đạt khoảng 80% vào năm 2023 đối với nhóm từ 7 tuổi trở lên. Và trong ngân sách mới nhất được công bố vào tháng này, chính phủ Ấn Độ có kế hoạch chi 14,7 tỷ USD cho giáo dục. Bất chấp những bước tiến này, chênh lệch đáng kể về giáo dục vẫn tồn tại trên khắp Ấn Độ.
Mặc dù các ứng dụng công nghệ giáo dục không phải là giải pháp toàn diện, nhưng chúng vẫn có thể đóng vai trò trong việc nâng cao kết quả học tập khi được tích hợp hiệu quả vào môi trường lớp học. Ví dụ, công ty công nghệ giáo dục Lead Group được thành lập vào năm 2012, hợp tác với hơn 8.000 trường học trên khắp Ấn Độ.
Phương pháp tiếp cận của Lead Group chủ yếu tập trung vào việc khiến các bài học trở nên tương tác hơn để tăng cường khả năng ghi nhớ kiến thức. Giáo viên tiếng Anh có tên Disha C tại Trường New Indian Public, đối tác của Lead Group chia sẻ, khi còn là học sinh, cô và bạn học thường học thuộc câu trả lời để đến kì thi, họ chỉ cần viết chúng ra. Nhưng ngày nay, cô hướng dẫn học sinh đọc hiểu và tự tạo ra câu trả lời. Ngoài ra, học sinh không nhất thiết được phân loại theo độ tuổi mà theo trình độ kỹ năng của các em trong môn học. Cô đánh giá: “Theo cách này, giáo viên dễ dạy và trẻ cũng dễ học”.
Vào đầu năm 2023, học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 tại trường New Indian Public ở Bengaluru, bang Karnataka phải đối mặt với khoảng cách học tập từ 1,5 đến 3 năm. Đến cuối năm, khoảng cách này đã được thu hẹp xuống còn 1,24 năm.
Trung Quốc hỗ trợ giảng dạy bằng AI
Học sinh tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Trung Quốc cũng đang tận dụng công nghệ để cải thiện phương pháp giảng dạy, cũng như khắc phục tình trạng học sinh không hứng thú ngày càng tăng. Năm 2018, 1/4 số trường học ở Trung Quốc được ghi nhận đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để chấm bài luận. Sau đó, vào năm 2022, Thứ trưởng bộ giáo dục Trung Quốc khẳng định rằng cơ quan này đang thúc đẩy "đánh giá giáo dục bằng AI".
Trường trung học cơ sở Bắc Kinh Yuying đã áp dụng các công cụ hỗ trợ giảng dạy AI từ cách đây 2 năm. Giáo viên tiếng Anh Wang Shanling nhận xét, công nghệ mới giúp cô phản hồi kịp thời trong lớp học.
Tuy nhiên, giáo viên vật lý Kong Lingdong nhận ra một số điểm bất cập với các công cụ hỗ trợ giảng dạy này. Đó là chúng chưa giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến giao tiếp và khía cạnh cảm xúc của học sinh. Ông khẳng định: “AI là một công cụ hỗ trợ… Tôi sẽ không thay thế các phương pháp giảng dạy thực sự bằng AI”.