Giá vé máy bay tăng 174% khi người Trung Quốc ‘chạy dịch’ khỏi châu Âu

Sinh viên Đại học Cambridge James Shen không ngần ngại trả gấp đôi tiền mua vé hạng thương gia để bay về Trung Quốc hôm 13/3 vì nghĩ rằng ở quê nhà sẽ an toàn hơn ở Anh khi dịch COVID-19 đang lan khắp châu Âu.

Chú thích ảnh
Hành khách xếp hàng tại sân bay Charles de Gaulle tại Roissy, Pháp ngày 12/3. Ảnh: REUTERS

“Tôi cảm thấy được bảo vệ nhiều hơn tại đây”, anh Shen nói sau khi về đến nhà ở Tô Châu, cách Thượng Hải 95km. Anh kể: “Tại Anh, khi tôi nói với mọi người về mức nguy hiểm của dịch bệnh, mọi người cười lớn và cho rằng tôi cứ làm quá lên về một loại cảm cúm. Nhưng là người Trung Quốc, chúng tôi có ký ức khó quên về dịch SARS cũng như hiểu rất rõ về dịch bệnh vừa xảy ra tại Vũ Hán”.

Theo tờ Bloomberg, anh Shen, 23 tuổi, cho biết đã trả gần 40.000 Nhân dân tệ (hơn 130 triệu đồng) để mua vé máy bay từ Anh về Trung Quốc. Giá vé còn tăng chóng mặt vào những ngày gần đây hoặc không còn sẵn có. 

Hãng du lịch Trip.com Group không còn sẵn bất kỳ ghế ngồi nào trên các chuyến bay trực tiếp từ London đến Thượng Hải cho đến tận 13/4 tới. Trong khi vé một chiều của hãng China Eastern Airlines của ngày hôm đó được bán với giá lên đến 26.928 Nhân dân tệ trên trang Skyscanner. 

Dữ liệu của trang Qunar.com cho thấy giá trung bình của vé máy bay hạng phổ thông từ châu Âu đến Trung Quốc đã tăng 174% trong tuần này, từ mức 5.492 Nhân dân tệ lên 15.021 Nhân dân tệ. Vé máy bay từ Mỹ đến Trung Quốc tăng 137%.

Tình trạng giá vé tăng đột biến đã đánh dấu sự đảo ngược từ vài tuần trước, khi các chuyến bay đường dài đến và đi từ Trung Quốc bắt đầu tiến gần mức giá thông thường, cho thấy tâm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đã thay đổi từ Trung Quốc sang châu Âu. 

 

Chú thích ảnh
Người dân thủ đô London đeo khẩu trang để phòng dịch. Ảnh: AFP/TTXVN

Các quốc gia châu Âu đang siết chặt lệnh hạn chế đi lại và tập trung đông người nhằm giảm tốc độ lây lan của chủng virus Corona mới, vốn đã lây nhiễm cho trên 180.000 người tại 162 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến trên 7.100 người thiệt mạng trên khắp thế giới. Kết quả, nhu cầu đi lại sụt giảm đã buộc các hãng hàng không từ American Airlines đến Qantas Airways phải cắt giảm đáng kể tần suất hoạt động. 

Ông Shukor Yusof, người sáng lập công ty tư vấn hàng không Endau Analytics tại Malaysia nhận xét: "Giá cả giống như các loại hàng hóa tại những thời điểm thế này và khách du lịch không có nhiều sự lựa chọn”.

Korean Air cho biết hãng đã tặng nhẹ giá vé khứ hồi sau khi cắt giảm gần 80% dịch vụ. Hãng này cũng giảm số chuyến bay đến New York từ hai xuống còn một chuyến mỗi ngày. Các chuyến bay của Singapore Airlines đến New York hiện chỉ phục vụ bay trực tiếp suốt 19 tiếng, không quá cảnh và không có vé hạng phổ thông.

Trong khi đó, Cathay Pacific Airways cho biết đang khôi phục lại một số chuyến bay từ Mỹ và London để đáp ứng nhu cầu của sinh viên ở nước ngoài cùng các đối tượng khác muốn về Hong Kong (Trung Quốc) trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Hãng hàng không này cũng sẽ sử dụng tàu bay loại lớn hơn đối với một số chuyến từ Mỹ - quốc gia vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến virus Corona. 

Ngày 16/3, Cathay Pacific Airways cho biết sẽ tăng thêm ba chuyến bay từ London trong ba ngày tiếp theo, nâng tổng số chuyến bay bổ sung rời khỏi thủ đô của Anh lên 9 chuyến trong tuần nay. 

Theo ba quan chức nắm rõ tình hình, các quốc gia châu Âu nằm trong vùng tự do đi lại Schengen đang cân nhắc lệnh giới hạn nhập cảnh đối với người ngoại quốc, đồng thời yêu cầu công dân không ra nước ngoài để đóng cửa biên giới hiệu quả. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire phát biểu trên sóng truyền hình: “Pháp có thể tăng cường lệnh phong tỏa toàn quốc”. 

Nhiều quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam đang cấm du khách Anh và các nước Schengen nhập cảnh, trong khi Hong Kong yêu cầu những công dân khu vực trên phải cách ly. 

SARS-CoV-2 đã lây nhiễm cho hơn 80.000 người tại Trung Quốc và khiến 3.226 người tử vong. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới đang giảm dần và châu Âu đang trở thành một mặt trận mới trong cuộc chiến chống lại đại dịch. 

Lại nói về cậu sinh viên James Shen, cậu không hề chần chừ, đặt vé máy bay ngay hôm 7/3. “Giờ tôi cảm thấy mình đã gặp may. Bố mẹ tôi thực sự muốn tôi quay về nhà, nơi dường như an toàn hơn trong thời điểm này”, Shen chia sẻ. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Bầu cử Mỹ: Cuộc tranh luận lạ lùng Biden-Sanders giữa mùa dịch COVID-19
Bầu cử Mỹ: Cuộc tranh luận lạ lùng Biden-Sanders giữa mùa dịch COVID-19

Hai ứng cử viên Joe Biden và Bernie Sanders đã đối mặt trong cuộc tranh luận trực tiếp giành tấm vé đề cử của đảng Dân chủ. Nhưng giữa đại dịch COVID-19, cuộc tranh luận lần này không giống bất cứ cuộc tranh luận trực tiếp nào giữa các ứng cử viên tổng thống Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN