Tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia đang trở thành "ổ dịch" khi nước này ghi nhận thêm 138 ca mắc bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh ở nước này tới nay lên 566 người.
Tối 16/3, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố phong tỏa toàn quốc và đóng cửa biên giới, bắt đầu từ ngày 18-31/3, trong một nỗ lực kiểm soát số ca lây nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) đang tăng cao. Quyết định phong tỏa toàn quốc cũng có nghĩa người Malaysia bị cấm ra nước ngoài và cũng không có khách du lịch hay người nước ngoài nào được phép vào Malaysia.
Trong một bài phát biểu phát trực tiếp trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Yassin kêu gọi: "Tôi hy vọng các bạn sẽ bình tĩnh đối phó với thách thức này. Đừng hoảng loạn, đừng lo lắng và hãy bình tĩnh. Tôi tin rằng với những biện pháp này của chính phủ, chúng ta sẽ sớm có thể chống lại sự lây lan của dịch bệnh". Thủ tướng Yassin cũng kêu gọi người dân tuân thủ mệnh lệnh và cho biết hội đồng an ninh quốc gia sẽ họp hàng ngày để theo dõi tình hình. Người đứng đầu Nội các Malaysia cũng cam kết thực phẩm và vật tư y tế bao gồm cả khẩu trang phòng dịch sẽ được cung cấp đầy đủ.
Các biện pháp phòng chống dịch vừa được Malaysia đưa ra còn bao gồm quy định cấm các cuộc tụ họp đông người, gồm các sự kiện tôn giáo, thể thao, xã hội và văn hóa. Tất cả các nhà thờ, trường học và doanh nghiệp sẽ đóng cửa, ngoại trừ siêu thị, chợ và các cửa hàng tiện lợi. Các buổi cầu nguyện thứ Sáu của người Hồi giáo cũng đã tạm dừng, theo sắc lệnh trước đó của Quốc vương Malaysia.
Ngoài ra, tất cả các cơ sở của chính phủ và tư nhân sẽ bị đóng cửa trừ các dịch vụ thiết yếu, bao gồm nước, điện, năng lượng, viễn thông, dịch vụ bưu chính, vận tải, dầu khí, phát thanh truyền hình, tài chính, ngân hàng, y tế, nhà thuốc, sở cứu hỏa, nhà tù, cảng, sân bay, an ninh, quốc phòng, dịch vụ vệ sinh và cung cấp thực phẩm.
Tại Lào, chính phủ đã yêu cầu đóng cửa các nhà trẻ và trường mẫu giáo trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 17/3 để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Ngày 16/3, trong chuyến đi thị sát việc thực hiện các biện pháp giám sát, ngăn chặn, kiểm soát dịch COVID- 19. Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết việc đóng cửa nhà trẻ và mẫu giáo trên toàn quốc sẽ kéo dài tới hết kỳ nghỉ tết năm mới của Lào (13-16/4). Trong chuyến thị sát, Thủ tướng Sisoulith cũng chỉ đạo tạm đóng cửa các cửa khẩu phụ tiếp giáp với các nước láng giềng trên cả nước để chuyển sang các cửa khẩu quốc tế, nơi có đủ các thiết bị hiện đại nhằm đảm bảo COVID-19 không xâm nhập vào Lào.
Cùng ngày 16/3, các trường học các cấp trên lãnh thổ Campuchia đã bắt đầu đóng cửa nghỉ Hè sớm theo thông báo mới nhất của Bộ Giáo dục, Thanh thiếu niên và Thể thao Campuchia. Trước đó, trong đêm 15/3, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã chỉ đạo khẩn một số biện pháp ngăn ngừa, chống lây lan dịch COVID-19 tại Campuchia.
Các chỉ đạo của Thủ tướng Hun Sen gồm: Hướng dẫn người dân không đi đến các nước châu Âu, Mỹ và Iran nếu không có việc cấp bách. Các bộ, ban, ngành trung ương và cấp dưới không cử cán bộ đi công tác, họp tại các nước châu Âu, Mỹ và Iran. Trong trường hợp cần thiết cử cán bộ đại diện Campuchia đi họp tại các nước trên, các bộ, ban, ngành liên hệ với Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế cử đại diện ngoại giao Campuchia tại nước đó đi họp thay. Đối với bất kỳ cán bộ hay người dân nào từ các nước châu Âu, Mỹ và Iran trở về phải được cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế.
Campuchia hiện ghi nhận 12 bệnh nhân mắc COVID-19 và chưa có ca tử vong nào.
Trong khi đó, Bộ Y tế Singapore ngày 16/3 đã xác nhận thêm 17 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 243 trường hợp. Đây cũng là con số tăng mạnh nhất trong một ngày tại Singapore. Trong số các trường hợp nhiễm mới, có 11 người là từ nước ngoài về.
Theo tờ Straits Times, hiện có 134 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Singapore vẫn đang được điều trị nhưng trong tình trạng ổn định, 13 người tình trạng nguy kịch. Trước đó, ngày 15/4, Singapore đã công bố thêm các biện pháp nhằm làm giảm nguy cơ "nhập khẩu" virus và khuyến cáo người dân tránh các chuyến đi nước ngoài không thực sự cần thiết.
Trả lời phỏng vấn kênh CNBC, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cũng cho biết, đảo quốc này "đã chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, ngay cả khi đang hy vọng những điều tốt đẹp nhất". Ông cho hay chính phủ đã chuẩn bị cho kịch bản dịch kéo dài "ít nhất 1 năm, có nghĩa bất cứ điều gì chúng ta làm cần phải bền vững và hợp lý trong dài hạn".
Tại Thái Lan, chính quyền nước này đã xác nhận thêm 33 ca mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên 147 người và 1 ca tử vong. Đây cũng là số ca tăng mạnh nhất trong một ngày tại Thái Lan. Tờ Bangkok Post cho hay Chính phủ Thái Lan sẽ hoãn kỳ nghỉ Lễ Songkran và cấm các cuộc tụ tập đông người, bao gồm cả các hoạt động giáo dục, thể thao, giải trí. Hiện tại Thái Lan khẳng định nước này chưa bước vào Giai đoạn 3 của dịch, khi xảy ra lây nhiễm mạnh trong cộng đồng.
Trong khi đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha kêu gọi người dân bình tĩnh, tuân thủ các hướng dẫn y tế. "Virus này sẽ còn tấn công chúng ta trong một thời gian. Tôi hiểu những khó khăn và nỗi đau, nhưng chúng ta cần bình tĩnh chiến đấu và vượt qua cuộc khủng hoảng này", ông Chan-o-cha phát biểu trên truyền hình.
Tại Philippines, trong ngày 16/3, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Juan Miguel Zubiri cho biết ông đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Thượng nghị sỹ Zubiri nằm trong số các nghị sỹ và thành viên Nội các Philippines quyết định tự cách ly hồi tuần trước do nghi ngờ có tiếp xúc với một người mắc bệnh COVID-19, người này đã từng được mời tới tham gia phiên điều trần tại Thượng viện. Cho đến nay, Philippines ghi nhận 141 ca mắc COVID-19, với 12 người tử vong.
Trong khi đó, tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo ngày 16/4 lại khẳng định rằng việc áp dụng giải pháp phong tỏa không phải là việc làm của nước này hay bất kỳ địa phương nào trong số 34 tỉnh thành trên cả nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng thống Widodo nhấn mạnh, Chính phủ Indonesia "không nghiêng về hướng ban hành chính sách phong tỏa" vào thời điểm này, trong bối cảnh dịch COVID-19 đã lan rộng ra ít nhất 8 tỉnh và thành phố với 134 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 5 ca tử vong. Ông Joko Widodo khẳng định, việc ban hành chính sách phong tỏa ở cấp quốc gia hoặc khu vực thuộc thẩm quyền của chính quyền trung ương, đồng thời cho rằng điều quan trọng đối với người dân là giữ khoảng cách ít nhất 2m trong tiếp xúc nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Cũng trong ngày 16/3, chính quyền thủ đô Jakarta đã hạn chế thời gian hoạt động và giảm số lượng các phương tiện giao thông công cộng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Tuy nhiên, tối cùng ngày, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan buộc phải thông báo hủy bỏ chính sách này sau một ngày rối loạn khi các điểm chờ xe buýt và nhà ga tàu điện chật kín hành khách ở khắp khu vực thủ đô.
Tính tới sáng 17/3, Việt Nam ghi nhận tổng số 61 ca mắc COVID-19, trong đó 16 bệnh nhân đã được chữa khỏi hoàn toàn. Trong số các trường hợp đang điều trị, có 27 bệnh nhân người Việt Nam, 18 bệnh nhân là người nước ngoài. Hầu hết các trường hợp này đều đang được điều trị cách ly tại các cơ sở y tế và có sức khoẻ tiến triển tốt.