Tình trạng khẩn cấp, vừa được gia hạn đến ngày 10/9, sẽ cho phép Chính phủ Morocco một khung pháp lý để thực hiện "các biện pháp đặc biệt" để đối phó với đại dịch, đặc biệt thông qua các nghị định. Chính phủ Morocco cũng đã thông qua dự thảo nghị định quy định mức phạt 300 dirhams (27 euro) đối với các trường hợp: không tôn trọng giãn cách xã hội và không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Theo số liệu thống kê, tính đến chiều 6/8, đất nước 35 triệu dân này đã ghi nhận 29.644 người mắc COVID-19 và 449 trường hợp tử vong. Đặc biệt, số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ tại Morocco đã vượt 1.000 ca/ngày, cụ thể là 1.144 ca nhiễm mới trong ngày 6/8. Đây là số ca nhiễm mới cao thứ 2 sau số ca nhiễm kỷ lục được ghi nhận trước đó một ngày (1.283 ca) kể từ khi vương quốc này ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên vào đầu tháng 3.
Cùng ngày, để giải tỏa cho các bệnh viện, Bộ Y tế Morocco đã quyết định cho phép điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 mà không có triệu chứng tại nhà của họ. Trước đó, vào ngày 3/8, việc nghỉ phép của các nhân viên y tế cũng bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới.
Vào đầu tháng 6, chính quyền Rabat đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế được thực hiện vào giữa tháng 3. Đến cuối tháng 6, Vương quốc Bắc Phi này đã tiếp tục cho phép mở lại các quán cà phê, nhà hàng và cửa hàng. Tuy nhiên, biên giới vẫn đóng cửa "cho đến khi có thông báo mới", điều này khiến ngành du lịch, một ngành kinh tế quan trọng, đã rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Đối mặt với sự gia tăng về số ca nhiễm mới trong thời gian gần đây và Bộ trưởng Bộ Y tế Khalid Ait Taleb mô tả là "đáng lo ngại", chính quyền Morocco đã quyết định áp đặt các hạn chế đi lại đến và đi từ 8 thành phố vào cuối tháng 7. Các biện pháp mới cũng được áp đặt vào hôm 5/8 tại các thành phố Tangier và Fez, bao gồm lệnh cấm tụ tập và đóng cửa các khu phố có số ca nhiễm bệnh cao.
Theo số liệu thống kể của trang https://www.worldometers.info/, hiện Morocco xếp thứ 6 trong số các quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất châu Phi, chỉ sau Nam Phi, Ai Cập, Nigeria, Ghana và Algeria.