Theo đài Sputnik (Nga), giá điện tại nhiều khu vực của Thụy Điển đã vượt 56 cent/kWh, cao hơn hẳn mức giá thông thường của tháng 7 là khoảng gần 4 cent.
“Chúng tôi chưa từng chứng kiến giá điện cho mỗi giờ vào tháng 7 cao như hiện nay”, đài truyền hình quốc gia SVT dẫn lời bà Emma Borgström, Giám đốc bán hàng của Nhà phân phối điện EON, cho biết.
Nhà phân tích Rebecka Bergholtz của Cơ quan Năng lượng Thụy Điển cũng đồng tình rằng giá điện ở nước này đang ở mức đặc biệt cao. Bà giải thích có nhiều lý do khiến giá điện tăng vọt trong mùa hè này và nhận định với những biến động lớn, rất khó dự đoán khi nào giá điện sẽ giảm trở lại.
Một trong những lý do khiến giá điện ở Thụy Điển tăng vọt là do hôm 11/7, Nga đã khóa van đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) để bảo trì. Dù hoạt động này vẫn diễn ra hàng năm và thường mất 2 tuần để hoàn tất, giới chuyên gia châu Âu vẫn lo lắng về kịch bản Nga sẽ ngừng vận hành hoàn toàn đường dẫn khí này.
Trước đó, Tập đoàn Gazprom của Nga đã thông báo giảm đáng kể nguồn cung khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1. Sau khi công ty Siemens Energy (Đức) không trả lại các tuabin khí đốt sau khi đưa đi bảo trì do các biện pháp trừng phạt của Canada đối với Nga. Điều này buộc châu Âu phải khai thác lượng khí đốt vốn được dự trữ cho mùa đông để đáp ứng nhu cầu. Một số quốc gia thậm chí còn cân nhắc quay trở lại sản xuất than.
Nhìn chung, châu Âu đã phải hứng chịu giá khí đốt tăng vọt trong những tháng qua, do cuộc khủng hoảng nhiên liệu trầm trọng khi áp lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Nhà chức trách Đức thừa nhận các cơ sở lưu trữ quốc gia hiện chỉ còn khoảng 61% lượng khí đốt, thấp hơn mức thông thường trong mùa này. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu chỉ còn đủ trữ lượng khí đốt trong 2 tháng nếu Nga ngừng hoàn toàn nguồn cung.
Hơn nữa, lượng khí đốt từ Na Uy, nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của châu Âu, hiện cũng bị hạn chế do hoạt động bảo trì ngoài kế hoạch. Trong khi đó, thời tiết ở Thụy Điển trong vài ngày nay khá êm đềm đã ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất điện gió.
“Có rất nhiều lo ngại về nguồn cung khí đốt tự nhiên ở châu Âu trong tương lai trước và trong mùa đông tới. Mối lo ngại này có thể sẽ kéo dài, thậm chí trong mùa đông tới, góp phần vào phần khiến giá điện tăng cao hơn”, bà Bergholtz nói.
Nhà máy điện hạt nhân của Thụy Điển và Phần Lan đang bước vào mùa bảo trì, điều này ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất điện hạt nhân. Ngoài ra, các nhà máy hạt nhân của Pháp cũng đang thực hiện sửa chữa, cả theo kế hoạch và ngoài kế hoạch, cũng đang đẩy giá điện của châu Âu tăng lên. Giá than cũng cao hơn bình thường trong tuần, do lệnh cấm đối với than từ Nga và nhiều vấn đề với các lô hàng từ Australia.