Gần 800 người tử vong vì dịch COVID-19 tại Italy trong ngày 21/3

Ngày 21/3, Italy tiếp tục chứng kiến sự lây lan và hoành hành của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) khi nước này ghi nhận gần 800 người thiệt mạng và 6.557 ca mắc bệnh mới, trong đó có 2.857 người hiện nguy kịch.

Chú thích ảnh
Italy vẫn chưa kiểm soát được đại dịch COVID-19. Ảnh: NBC News

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, trong vòng 24h qua, quốc gia Nam Âu này đã ghi nhận thêm 973 ca tử vong vì nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), nâng tổng số người thiệt mạng tại nước này lên 4.825.

Đây là số người thiệt mạng cao nhất tại Italy trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tới nay.

Tới cuối ngày 21/3, Italy đã có tổng cộng 53.578 ca mắc COVID-19, trong đó 2.857 ca nguy kịch.

Italy là quốc gia có số người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới, vượt qua cả Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch này hồi tháng 12/2020.

Châu Âu, ngoài Italy, còn chứng kiến dịch bệnh bùng phát dữ dội ở Tây Ban Nha, Anh, Pháp và Hà Lan.

Quốc gia nằm trên bán đảo Iberia Tây Ban Nha trong ngày 21/3 đã xác nhận thêm 285 ca tử vong mới, nâng tổng số người thiệt mạng lên 1.378. Số ca mắc COVID-19 ở nước này hiện lên tới 25.374, nhiều thứ 2 ở châu Âu.

Vương quốc Anh trong ngày cũng chứng kiến thêm 56 người tử vong. Tới hết ngày 21/3, "đảo quốc sương mù" đã có tổng cộng 4.094 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 233 ca tử vong.

Pháp hiện có 12.612 ca mắc COVID-19, 450 người tử vong. Song trong 24h qua, "đất nước hình lục lăng" không phát sinh ca bệnh hay tử vong nào mới.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng lặng trên cây cầu Westminster ở London, Anh trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan mạnh, ngày 18/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nghị viện châu Âu cũng thông báo trường hợp nghị sĩ đầu tiên nhiễm bệnh COVID-19. Đó là nghị sĩ người Ba Lan Adam Jarubas, 45 tuổi, thành viên của nhóm đảng chính trị Nhân dân châu Âu (EPP) trong Nghị viện châu Âu. Ông đã tham dự phiên họp toàn thể của Nghị viện lần cuối vào ngày 9 và 10/3 tại Brussels, trước khi bay trở lại Ba Lan vào ngày hôm sau. Nghị viện châu Âu sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt vào tuần tới để thông qua các biện pháp khẩn cấp do Ủy ban châu Âu đề xuất về đại dịch COVID-19.

Tại Nga, Ban tác chiến của Nga về phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã phát hiện thêm 54 trường hợp dương tính với SARS-COV-2 tại 9 khu vực thuộc LB Nga. Moskva có số trường hợp lây nhiễm mới nhiều nhất là 33 người, trong khi thành phố St. Petersburg phát hiện thêm 4 trường hợp. Tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại Nga hiện đã tăng lên 253 người, trong đó 12 người đã được xuất viện.

Serbia thông báo ca tử vong đầu tiên do COVID-19 tại nước này. Trường hợp tử vong này là một người đàn ông 59 tuổi người Serbia. Giới chức Serbia cũng đã mở rộng các biện pháp hạn chế về đi lại nhằm tránh sự lây lan dịch bệnh. Cho tới nay, giới chức y tế Serbia đã ghi nhận 135 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 8 người ở trong tình trạng nguy kịch và được điều trị trong bệnh viện.

Trong khi đó, khoảng 2.600 quân nhân Mỹ, bao gồm cả những nhân viên quốc phòng đồn trú tại châu Âu, hiện đang tự cách ly sau khi được xác định là những đối tượng có thể bị phơi nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc nhấn mạnh con số trên cao hơn những số liệu đã ghi nhận trước đó và bao gồm những người có thể đã được xét nghiệm, mà không cho kết quả dương tính, và những ca dương tính hiện nay trong số họ là 35 người.

Nhằm đối phó với dịch bệnh tiếp tục lan rộng cũng như giảm thiểu những thiệt hại, giới chức các nước châu Âu tăng cường các biện pháp phòng ngừa và hỗ trợ kinh tế.    

Chú thích ảnh
Chuyển nạn nhân COVID-19 tại Trường Đại học Strasbourg, Pháp ngày 16/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức y tế Italy xác nhận một nhóm chuyên gia y tế gồm 53 bác sĩ và y tá Cuba sẽ có mặt tại tỉnh miền Bắc Lombardy vào ngày 21/3 để giúp quốc gia châu Âu đối phó với dịch  COVID-19.

Việc phái cử được triển khai theo đề xuất của chính quyền vùng Lombardy, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên toàn lãnh thổ Italy với hơn 3.400 người nhiễm bệnh tính tới thời điểm hiện nay. Đây là nhóm chuyên gia có trình độ chuyên môn cao từng tham gia chống bệnh dịch Ebola và có kinh nghiệm ứng phó với những loại dịch bệnh tương tự.

Chính phủ Thụy Sĩ đã tuyên bố lệnh cấm trên toàn quốc tụ tập hơn 5 người tại các không gian công cộng để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh COVID-19 và gói tài chính trị giá 32 tỷ CHF (32,7 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế. Bộ trưởng Nội vụ Alain Berset cho biết lệnh cấm trên có hiệu lực vào nửa đêm 20/3 cho đến ngày 19/4. Mọi người vi phạm lệnh cấm phải đối mặt với mức phạt 100 CHF. Ông Berset cũng kêu gọi công dân giữ khoảng cách 2m. Chính phủ cũng đã ra lệnh đóng cửa các công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, nếu không tuân thủ các quy tắc y tế. Ngoài ra, quân đội được bổ sung triển khai hỗ trợ các cơ quan dân sự, các tổ chức tư nhân và khu vực công cộng để đối phó với cuộc khủng hoảng. 

Chính phủ Ukraine đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Kiev và 2 trong số 25 vùng của nước này do sự bùng phát của dịch bệnh. Trước đó, Ukraine đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 2 vùng khác có bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Cho tới nay, Ukraine đã ghi nhận 26 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và 3 ca tử vong.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h ngày 21/3: 11.366 ca tử vong, Italy 627 người chết trong 24h
Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h ngày 21/3: 11.366 ca tử vong, Italy 627 người chết trong 24h

Italy đã huy động quân đội hỗ trợ phong tỏa sau khi số ca tử vong do COVID-19 vọt lên mức kỷ lục 627 người trong một ngày. Toàn bộ 50 bang của Mỹ đã có gần 19.000 người mắc bệnh, 1/5 dân số nhận chỉ thị ở yên trong nhà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN