Phát biểu với báo giới về kết quả hội nghị, Ngoại trưởng Brazil, ông Mauro Vieira cho biết các đại biểu tham dự hội nghị nhấn mạnh vai trò quan trọng của LHQ trong việc gìn giữ hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, tuy nhiên cần có sự cải tổ HĐBA với sự tham gia của đông đảo quốc gia hơn hiện nay.
Ngoại trưởng Vieira nhấn mạnh Brazil và nhiều quốc gia từ lâu đã bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của HĐBA, và “đối với Brazil, cải cách hệ thống quản trị toàn cầu là vấn đề cấp bách và là ưu tiên hàng đầu”. Ông cũng cho biết thêm rằng sự cải tổ không chỉ tại LHQ mà còn đối với Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại thế giới (WHO).
Brazil, quốc gia giữ chức Chủ tịch G20 trong năm nay, đã đề xuất tổ chức cuộc họp ngoại trưởng lần thứ hai vào tháng 9, trong khuôn khổ Đại hội đồng LHQ thường niên tại New York (Mỹ). Việc tổ chức một Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ hai trong năm chưa từng có tiền lệ. Brazil muốn kêu gọi sự tham gia của tất cả các thành viên G20 cũng như các nước thành viên LHQ nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán về cải cách thể chế quản trị toàn cầu. Đề xuất này đã được các đại biểu tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G20 ủng hộ.
Trong chương trình nghị sự của hội nghị G20 năm nay, Chính phủ Brazil nhấn mạnh 3 lĩnh vực ưu tiên gồm cuộc chiến chống bất bình đẳng, đói nghèo; phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng; cùng với cải cách các thể chế quản trị toàn cầu.
Liên quan đến xung đột ở Trung Đông, các ngoại trưởng G20 đã bày tỏ sự ủng hộ rộng rãi giải pháp hai nhà nước, đồng thời gây thêm áp lực buộc Israel phải chấp nhận Nhà nước Palestine độc lập. Ông Vieira cho biết G20 nhấn mạnh "giải pháp hai nhà nước là giải pháp khả thi duy nhất" cho cuộc khủng hoảng này.
Thông điệp trên được đưa ra một ngày sau khi Quốc hội Israel bỏ phiếu đồng thuận với đề xuất của Thủ tướng Benjamin Netanyahu về việc phản đối mọi quyết định "đơn phương" công nhận một Nhà nước Palestine.