Bộ trưởng Todd McClay nhấn mạnh đây là một phần trong kế hoạch phát triển nền kinh tế của New Zealand. Sự thịnh vượng của New Zealand phụ thuộc vào thương mại quốc tế, chiếm 60% tổng hoạt động kinh tế của đất nước. Nền kinh tế mạnh sẽ góp phần giảm chi phí sinh hoạt và chi trả cho các dịch vụ công có chất lượng như trường học và bệnh viện. Ông nhấn mạnh đây là một thành tựu quan trọng đối với New Zealand sau hơn 15 năm vận động hành lang, thuyết phục và đàm phán với EU.
Thỏa thuận đảm bảo giảm thuế đối với các sản phẩm trái cây của New Zealand, rượu vang, hải sản và nhiều sản phẩm khác, đồng thời bao gồm các cam kết về dịch vụ và đầu tư, đảm bảo rằng người New Zealand có thể cạnh tranh công bằng trên thị trường EU trong các lĩnh vực này. Để nâng cao nhận thức về các cơ hội mà thỏa thuận này mang lại, Chính phủ New Zealand sẽ thực hiện một chiến dịch thông tin nhằm giúp các doanh nghiệp của quốc gia châu Đại Dương này phát triển thương mại với EU.
Bộ trưởng McClay nêu rõ: “Thương mại tạo ra 1/4 số việc làm ở New Zealand và chúng tôi dựa vào mối quan hệ bền chặt với các đối tác quốc tế để tăng năng suất, tăng cơ hội xuất khẩu và tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế”. Thỏa thuận này sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà xuất khẩu New Zealand và góp phần thực hiện mục tiêu đầy tham vọng của chính phủ là tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu trong 10 năm tới.
EU là đối tác thương mại lớn thứ tư của New Zealand, với kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều đạt 20,2 tỷ NZD (12 tỷ USD) trong năm 2022, chiếm 10,3% tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ của New Zealand. Bộ trưởng McClay khẳng định EU là đối tác quan trọng và đáng tin cậy của New Zealand. Vì vậy, New Zealand mong muốn làm sâu sắc hơn nữa cả mối quan hệ kinh tế lẫn mối quan hệ giữa nhân dân hai bên.
Các cuộc đàm phán về FTA New Zealand-EU hoàn tất vào ngày 30/6/2022. Thỏa thuận được ký kết vào ngày 9/7/2023 tại Brussels (Bỉ) và có hiệu lực từ ngày 1/5/2024.