Tại Tọa đàm với chủ đề: “Phát triển nguồn nhân lực chuyên gia, tăng hiệu quả thực thi FTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 13/11, nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân của thực trạng trên được cho nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chuyên gia thực thi các FTA còn rất hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu.
Theo các chuyên gia, kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, cần tăng cường tổ chức tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong quá trình triển khai cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các FTA. Cùng đó, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả dung lượng các thị trường có FTA với Việt Nam. Đây cũng là một trong những kỳ vọng lớn khi các FTA bước sang giai đoạn thực thi mới.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đã và đang thực thi 15 FTA; trong đó, có 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).
Đây là những FTA không chỉ bao gồm những lĩnh vực truyền thống mà còn bao gồm những lĩnh vực phi truyền thống như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ... Do đó, nội dung cam kết tương đối phức tạp và có rất nhiều tiêu chuẩn cao đòi hỏi đội ngũ nguồn nhân lực hiểu sâu về những nội dung cam kết này để giúp cơ quan quản lý ở cấp địa phương cũng như doanh nghiệp nắm và thực thi một cách đúng và đầy đủ các nội dung cam kết.
Thực tế cho thấy, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp đã rất nỗ lực đồng hành cùng nhau nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các FTA này. Thế nhưng, tỷ lệ tận dụng các FTA này còn tương đối hạn chế. Với những FTA có kết quả tốt như EVFTA cũng chỉ đạt được ở mức khoảng 26% hoặc những FTA như CPTPP chỉ ở mức 5%. Đây là những con số còn tương đối khiêm tốn so với dư địa và những cơ hội từ những FTA này mang lại.
Theo ông Nguyễn Công Hân - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng, thời gian vừa qua, thị trường xuất khẩu hàng hóa của thành phố ngày càng được mở rộng, vươn xa đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó, tập trung vào các thị trường quan trọng như là Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, EU. Hiện nay, Hải Phòng đang hướng tới thị trường Nam Phi, Mexico và đặc biệt kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp sang các thị trường của 3 FTA thế hệ mới CPTPP, EVFTA và UKVFTA ngày càng tăng.
Đặc biệt, Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển hội nhập kinh tế quốc tế nên rất chú trọng đến việc đào tạo, duy trì nguồn nhân lực cho hội nhập kinh tế quốc tế cũng như thực thi các FTA. Hàng năm, thành phố thường xuyên tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức như hội nhập đối ngoại, đầu tư mua sắm Chính phủ, thương mại điện tử, quy tắc xuất xứ, hải quan, logistics và kết nối giao thương với các thị trường quốc tế nhằm nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ làm hội nhập quốc tế. Ngoài ra, Hải Phòng thường xuyên nhận được sự hỗ trợ từ Trung ương, các bộ, ngành liên quan đến thực thi FTA, đặc biệt là các cục, vụ của Bộ Công Thương.
Bà Lê Thị Hằng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần cà phê Detech chia sẻ, với FTA, doanh nghiệp đã gặp phải những khó khăn về tìm kiếm chuyên gia để đào tạo cho đội ngũ nhân sự của bộ phận xuất nhập khẩu tương đối khó khăn. Thực tế, trong quá trình triển khai, bộ phận nhân sự chỉ có thể nắm bắt được về các chuyên môn thực hiện các hợp đồng, giao dịch, tư vấn cho khách hàng. Tuy nhiên, cụ thể về kinh nghiệm thực tế từ chuyên gia của FTA, công ty đang vướng mắc vấn đề đó.
Hiện tại, công ty đang tìm kiếm các chuyên gia có kinh nghiệm từ FTA để có thể tư vấn cho đội ngũ nhân sự từ đó có thể có những biện pháp quản lý rủi ro, nhất là các hiệp định thương mại tự do liên quan đến cả quy đinh về lao động, môi trường này, sở hữu trí tuệ và 3 lĩnh vực này rất quan trọng.
Bà Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh, hiện nay trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ động làm việc với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng chương trình đào tạo cũng như hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp để tận dụng tốt hơn các FTA.
Trên cơ sở chỉ đạo này trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ triển khai rất quyết liệt việc để có thể hướng tới xây dựng một nguồn nhân lực tốt hơn cho Việt Nam trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài để tận dụng các FTA.
Về thời gian trước mắt hiện nay Bộ Công Thương đang phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công thương Trung ương của Bộ Công Thương xây dựng một khung tài liệu đào tạo về các chuyên gia FTA và năm 2023 này hướng đến xây dựng tài liệu đào tạo cho nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và phát triển bền vững.
Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Bộ Công Thương cũng đã có kế hoạch để đưa ra những chương trình đào tạo tổng thể và rất bài bản cũng như cụ thể cho từng lĩnh vực để có thể đáp ứng được nội dung.
Đồng thời năm 2023 trên cơ sở khảo sát nhu cầu của các tỉnh, thành, Bộ Công Thương cũng sẽ bước đầu triển khai thí điểm đào tạo các lớp chuyên gia đầu tiên để có thể cung ứng được nguồn nhân lực ngay lập tức và tại chỗ cho các tỉnh, thành và cố vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi mà doanh nghiệp có nhu cầu.
Về lâu dài, Bộ Công Thương đã bắt đầu triển khai việc thí điểm với một số trường đại học mà họ có khối ngành về kinh tế và đặc biệt về thương mại quốc tế để cùng nhau cân nhắc, xem xét lại những nội dung đào tạo trong trường. Cùng đó, thực hiện khảo sát đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu với các thị trường, nhất là thị trường FTA.
Để đào tạo nhân sự lâu dài cho cơ quan quản lý cấp địa phương cũng như doanh nghiệp phải xác định rằng sản phẩm, tức là các bạn sinh viên ra trường có thể vào làm việc ngay lập tức ở những cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương về chuyên gia FTA cũng như ở doanh nghiệp.
Ngoài những yêu cầu chuyên môn, những kỹ năng mềm cũng sẽ phải chuẩn bị cho các bạn sinh viên để có thể các bạn trở thành một nguồn nhân lực dài hạn. Bộ Công Thương cũng xác định trong thời gian ngắn không thể nào cung ứng được một lực lượng lao động về chuyên gia ngay lập tức và luôn. Để có một nguồn nhân lực lâu dài thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cũng như tận dụng các FTA mà mất rất nhiều công sức để mang lại phải có một quá trình tương đối trung và dài hạn để có thể có được nguồn nhân lực hỗ trợ thiết thực trong thời gian tới.