Quyết định này được đưa ra lần gần đây nhất là cách đây 12 năm khi kinh tế Mỹ phải chống chọi với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Với yêu cầu trên, các ngân hàng sẽ bị giới hạn sử dụng vốn trong thời gian đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành khiến nền kinh tế suy giảm mạnh. Thông báo của FED nêu rõ trong quý III/2020, ban giám đốc FED yêu cầu các ngân hàng lớn dự trữ vốn bằng cách hoãn các chương trình mua cổ phần, giới hạn các khoản chi trả cổ tức, và dựa vào báo cáo thu nhập gần đây để dự trù cổ tức.
Tuyên bố được đưa ra khi FED công bố kết quả kiểm nghiệm khả năng chịu áp lực của hệ thống ngân hàng Mỹ trong năm 2020, cùng các kiểm tra bổ sung đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh. Kiểm nghiệm của FED về khả năng chịu áp lực trong hệ thống ngân hàng Mỹ cho kết quả khác nhau tùy thuộc vào các kịch bản suy giảm kinh tế ở các cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch FED Randal Quarles cho biết các kết quả nhìn chung tích cực.
Quan chức FED cho biết hệ thống ngân hàng đã chứng minh vai trò tạo sức mạnh chống đỡ cho nền kinh tế Mỹ trước cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh và các kết quả phân tích của FED chỉ ra các ngân hàng Mỹ thậm chí đủ lực để ứng phó với các cú sốc mạnh hơn.
Tuy nhiên, FED lưu ý trong một số kịch bản tồi tệ hơn, hầu hết các công ty đều có nguồn vốn chống lưng tốt nhưng một số lại chỉ đảm bảo vốn ở các mức tối thiểu. FED cũng sẽ yêu cầu tất cả các ngân hàng lớn nộp lại và cập nhật hoạch định vốn vào cuối năm để phản ánh những áp lực thực tế, giúp các công ty đánh giá lại nhu cầu vốn và duy trì các công cụ hoạch định vốn đáng tin cậy trong thời kỳ bất ổn vì dịch bệnh.
Các chương trình mua lại cổ phần chiếm khoảng 70% các khoản chi trả cho các cổ đông tại các ngân hàng lớn trong những năm gần đây. FED cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ thanh khoản trị giá hàng nghìn tỷ USD để chống đỡ cho các thị trường tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động từ giữa tháng 3, đẩy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ lên mức 13,3% trong tháng 5.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 25/6 một tổ chức giám sát độc lập tại Mỹ công bố báo cáo cho thấy Bộ Tài chính nước này đã gửi séc hỗ trợ khắc phục hậu quả kinh tế do đại dịch cho hơn một triệu người được cho là đã qua đời. Văn phòng Giám sát kế toán (GAO) cho biết kể từ khi Bộ Tài chính Mỹ bắt đầu gửi tiền hỗ trợ cho người dân từ tháng 4 để hỗ trợ thất nghiệp do đại dịch, tổng cộng 160,4 triệu khoản thanh toán đã được thực hiện với tổng trị giá 269 tỷ USD. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/4, khi 120 triệu khoản thanh toán được hoàn tất, GAO phát hiện khoảng 1,4 tỷ USD được gửi tới 1,1 triệu người đã chết. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu khoản trong số này là do nhầm lẫn trong hệ thống của Bộ Tài chính và bao nhiêu khoản là kết quả của hành vi gian lận có chủ đích.
Các khoản thanh toán trị giá tối đa 1.200 USD/người được chi trả tự động cho hầu hết người dân nộp thuế năm 2018 và 2019 và cho những người hưởng các chương trình lương hưu và trợ cấp chính phủ. Hôm 6/5, Cơ quan thuế vụ Mỹ đã ra thông báo rằng những khoản chi trả cho người đã qua đời sẽ được thu hồi. Tuy nhiên, GAO cho biết cơ quan này hiện chưa đề ra kế hoạch thu hồi các khoản trên.