Theo đó, mở cửa phiên sáng 12/6, các chỉ số chứng khoán tại thị trường Việt Nam tiếp tục lao dốc. Cổ phiếu nằm sàn trên khắp bảng điện trong phiên ATO ((lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá mở cửa). Tới 9 giờ 20 phút, trên 2 sàn chỉ có 52 mã tăng và 418 mã giảm điểm. Rổ cổ phiếu VN30 có 29 mã giảm và 1 mã đứng giá; trong đó có đến 26 mã giảm hơn 1%.
Trong khi đó, HNX-Index cũng giảm hơn 3% ngay từ đầu phiên. Nguyên nhân đến từ sự lao dốc của ACB và SHB (đều mất hơn 3%).
Đến 9 giờ 45 phút, đã xuất hiện lực cầu tại các vùng giá thấp, qua đó sắc đỏ trên các chỉ số phần nào được thu hẹp. Tuy nhiên, trên hai sàn vẫn có 410 mã giảm điểm và chỉ có 120 mã tăng điểm.
Tuy nhiên, ngay sau đó các chỉ số lại tiếp tục giảm. Tính đến 9 giờ 57 phút, VN – Index giảm tới 16,52 điểm (1,9%) xuống 850,85 điểm. Toàn sàn có 46 mã tăng giá, trong khi có tới 305 mã giảm giá.
HNX - Index giảm 2,79 điểm (2,41%) xuống 113,25 điểm. Toàn sàn có 31 mã tăng, trong khi có tới 108 mã giảm giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 cũng có tới 27 mã giảm giá và chỉ có 1 mã tăng giá. Các mã giảm sâu như VIC, VHM, VRE, VJC, VNM, BVH, PNJ...
Cổ phiếu ngân hàng chìm sâu trong sắc đỏ, chỉ còn TPB và KLB ở chiều giá xanh. Các mã còn lại như ACB, CTG, VCB, BID, TCB, VPB, MBB, HDB... đều có mức giảm rất sâu.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng diễn biến rất tiêu cực với sự giảm giá sâu của GAS, POW, PLX, PVS, PVB, PVC, PVD...
Trước đó, sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 11/6, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC nhận định, với lượng khớp lệnh kỷ lục từ lúc thị trường chứng khoán mở cửa đến nay, đồng thời các chỉ số chính đều giảm điểm mạnh cho thấy thị trường chứng khoán đã thoái trào sau đợt tăng mạnh mẽ vừa qua.
VDSC khuyến nghị các nhà đầu tư thận trọng trong thời điểm này và có thể thu hồi tiền mặt chờ đợi cơ hội mới của thị trường.
Trước đó, kết thúc cuộc họp hai ngày 9-10/6 Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0 -0,25%, đồng thời dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn ở mức trên 9% cho đến cuối năm 2020, và vào thời điểm đó, kinh tế Mỹ sẽ suy giảm hơn 6%.
Theo Fed, cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng do COVID-19 sẽ tác động mạnh tới hoạt động kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát trong ngắn hạn, đồng thời cũng tạo ra những nguy cơ đáng kể đối với triển vọng kinh tế trong trung hạn và dài hạn.
Do đó Fed sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức gần 0% cho tới khi tin tưởng rằng nền kinh tế vượt qua được những khó khăn hiện tại và hướng tới các mục tiêu ổn định giá cả và tạo việc làm. Fed dự báo lãi suất sẽ được giữ nguyên ở mức hiện tại cho tới ít nhất là năm 2022.
Trên thị trương thế giới, sau đợt đi lên kéo dài hơn hai tháng, đà khởi sắc của Phố Wall đã bị chặn lại trong phiên giao dịch ngày 11/6, giữa lúc sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 tại một số bang ở Mỹ đã thúc đẩy làn sóng bán tháo mạnh mẽ nhất kể từ tháng 3/2020, khi thị trường sụp đổ do dịch COVID-19 lên đỉnh điểm.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1.861,82 điểm (6,9%), xuống 25.128,17 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng mất 188,04 điểm (5,89%), xuống 3.002,1 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 527,62 điểm (5,27%), xuống 9.492,73 điểm.
Đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên này còn chịu tác động bởi những lo ngại về sự định giá quá mức và lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng vọt.
Số liệu đáng lo ngại về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tại một số bang của Mỹ, bao gồm Florida, Arizona và Texas, đã khiến giới đầu tư hoài nghi về triển vọng phục hồi theo hình chữ V của nền kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh việc cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều giảm hơn 5% thì chuỗi 10 ngày đi lên liên tiếp của chứng khoán châu Á cũng kết thúc và các cổ phiếu lớn của châu Âu cũng đều chứng kiến mức giảm khoảng 4%.
Khép lại phiên này, chỉ số FTSEurofirst 300 của châu Âu giảm 4,11%, xuống 1.378,16 điểm. Tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh mất 4%, xuống 6.076,70 điểm. Còn tại sàn giao dịch chứng khoán Paris của Pháp và Frankfurt của Đức, chỉ số CAC 40 và DAX 30 lần lượt lùi 4,7% và 4,5%, đóng cửa ở mức 4.815,60 điểm và 11.970,29 điểm.