Các chỉ số chính của Phố Wall dẫn đầu đà tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 8/6, với chỉ số Nasdaq Composite tăng lên mức cao kỷ lục mới và S&P 500 lấy lại những gì đã mất kể từ đầu năm.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,1% lên 9.924,74 điểm, cao hơn 10,6% so với mức phiên giao dịch hồi tháng Hai vừa qua. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng 1,2% lên 3.232,39 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng tiến thêm 461 điểm, tương đương 1,7% lên 27.572,44 điểm. Tính từ ngày 23/3 (thời điểm các chỉ số chạm mức đáy) đến nay, S&P 500 đã hồi phục hơn 47% trong khi tỷ lệ này ở Dow Jones là hơn 50%.
Đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ diễn ra sau khi thị trường chứng khoán châu Âu giảm nhẹ do đà bán tháo chốt lời. Tuy nhiên, những kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đã hạn chế biên độ giảm.
Chuyên gia Maris Ogg - người phụ trách quản lý danh mục đầu tư tại Tower Bridge Advisor - cho biết các thị trường đang "tăng trưởng với kỳ vọng của người dân rằng chúng ta thực sự bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới, trong đó kinh tế sẽ được hồi sinh". Bà cũng đồng thời cho rằng "điều này có lẽ rất thực tế" khi những doanh nghiệp vốn chịu tác động nặng nề của các chính sách phong tỏa phòng COVID-19 lại có báo cáo tổng kết tháng Ba cho thấy họ là một trong số những người thắng lớn. Nhiều cổ phiếu được hưởng lợi từ quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế đã đi lên mạnh mẽ trong phiên 8/6, trong đó cổ phiếu của United Airlines tăng 14,8% và American Airlines 9,3%, trước đó cả hai hãng này đều cho biết nhu cầu của hành khách hiện đã tăng lên đáng kể.
Trong một diễn biến liên quan, chỉ số chứng khoán chính của Argentina đã tăng hơn 8% trong ngày 8/6 trong bối cảnh các nhà đầu tư hy vọng rằng chính phủ sẽ đạt được thỏa thuận với các chủ nợ về việc hoàn trả khoản nợ 66 tỷ USD. Chỉ số giao dịch tại Buenos Aires đã cán mốc kỷ lục 48.881 điểm. Tuần trước, chỉ số này cũng tăng 19,3%.
Theo kế hoạch, ngày 12/6 tới, chính phủ của Tổng thống Alberto Fernandez sẽ chính thức công bố các thỏa thuận đạt được với chủ nợ. Cách đây 3 tuần, Argentina đã vỡ nợ lần thứ 9 trong lịch sử sau khi không trả được 500 triệu USD lãi suất cho khoản nợ trái phiếu của mình. Buenos Aires đã phải gia hạn thời hạn chót để tái cơ cấu khoản nợ trái phiếu trị giá 66 tỷ USD này tới 3 lần sau khi các chủ nợ từ chối lời đề nghị ban đầu về thời gian ân hạn 3 năm cũng như giảm 62% tiền lãi (lên tới 37,9 tỷ USD) và 5,4% tiền gốc - tương đương 3,6 tỷ USD.
Chính phủ Argentina nhấn mạnh cuộc đàm phán thành công với các chủ nợ sẽ giúp "ổn định nền kinh tế", qua đó "cho phép quỹ đạo kinh tế của đất nước được chuyển hướng theo hướng tăng trưởng dài hạn". Quốc gia Nam Mỹ này đã rơi vào suy thoái kinh tế trong hai năm qua và hiện đang nợ 324 tỷ USD - tương đương 90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Argentina.
Trong khi đó giá dầu thế giới đã giảm hơn 3% trong phiên 8/6, sau khi Saudi Arabia, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tuyên bố sẽ không duy trì mức cắt giảm bổ sung tự nguyện trước đó.
Tại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc chấm dứt chuỗi 7 ngày tăng giá khi giảm 1,5 USD (tương đương 3,6%) xuống mức 40,80 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã giảm 1,36 USD (3,4%) xuống còn 38,19 USD.
Tháng Tư vừa qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và các nhà sản xuất khác (còn gọi là Nhóm OPEC+) đã đồng ý cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong hai tháng tiếp theo để hỗ trợ giá “vàng đen”, khi các lệnh phong tỏa để ngăn ngừa đại dịch COVID-19 lây lan khiến nhu cầu năng lượng lao dốc.
Ngày 6/6, OPEC+ đã chấp nhận duy trì mức cắt giảm trên, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu, cho đến tháng Bảy tới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman ngày 8/6 tuyên bố nước này cùng các đồng minh vùng Vịnh là Kuwait và UAE sẽ không tiếp tục mức cắt giảm bổ sung 1,18 triệu thùng/ngày.