FBI nói về đường dây Trung Quốc tuyển mộ các nhà khoa học Mỹ

Đại sứ Trung Quốc tại Washington và một nhà ngoại giao Trung Quốc ở New York đã bí mật hỗ trợ tuyển mộ các nhà khoa học Mỹ - tờ Washington Examiner ngày 25/6 đưa tin.

Chú thích ảnh
Charles Lieber, cựu Giáo sư Đại học Havard bị buộc tội vì tham gia vào chương trình
“Một nghìn Tài năng” của Trung Quốc. Ảnh: AP

Theo đó, một đặc vụ chuyên về phản gián tại Cục Điều Tra Liên bang Mỹ (FBI) đã trưng bản tuyên thệ lời khai ra trước tòa án liên bang vào năm ngoái. Tài liệu này mới được giải mật trong tháng 4 vừa qua, cho thấy các chiến thuật về hoạt động do thám của Bắc Kinh mà giới quan chức chóp bu Mỹ đang không ngừng cảnh báo. 

Bản khai lần đầu tiên được tờ Daily Beast công bố ngày 22/6, trong đó cụm từ “Trung Quốc” đã bị bôi đen, nhưng vẫn để sót ít nhất là một lần, có thể là do lỗi soát chưa kỹ. Tài liệu này mô tả quá trình FBI điều tra một nhà khoa học ở bang Connecticut - một người nổi danh và trên danh nghĩa là làm việc cho các thực thể do chính phủ (Mỹ) kiểm soát hoặc định hướng. 

Mục đích chính của người này là tuyển mộ các nhà khoa học trong lĩnh vực di truyền phân tử và giới nghiên cứu về tế bào gốc, đưa họ sang làm việc tại các trường đại học, phòng thí nghiệm tại Trung Quốc; thu thập và chuyển giao cho các trường đại học, viện nghiên cứu này công nghệ, kết quả nghiên cứu về di truyền phân tử, tế bào gốc được thực hiện bởi các tổ chức học thuật và khu vực tư nhân hàng đầu tại Mỹ. 

Bản khai xóa tên nhà khoa học, nhưng cho biết người này đã được cấp quy chế công dân Mỹ vào tháng 11/2009, có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu gien tại Mỹ, gần nhất là thời gian công tác tại một trường mà tờ Washington Examiner xác định là Đại học Yale, dù tên trường này cũng bị che đi trong bản khai.

Tờ báo Mỹ có tên của nhà khoa học này dựa trên nghiên cứu thông tin từ tài liệu được trưng ra tại tòa, nhưng không công bố tên, vì người này vẫn chưa bị buộc tội. 

Sau khi điều tra trong 2 năm vì nghi vấn, tháng 9/2018 FBI bắt đầu nhận được thông tin mật từ một nguồn tin, nói rằng nhà khoa học này di chuyển qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc, tìm cách tuyển mộ các nhà khoa học khác tại Mỹ làm việc tại nhiều trường đại học ở nước ngoài.

Nguồn tin này có ý cho rằng có người trong chính quyền Trung Quốc đã tiếp cận nhà khoa học Mỹ, giao cho người này nhiệm vụ tuyển mộ các cá nhân tại Mỹ. 

Dù đã được che đen phần lớn, nhưng những mô tả trong bản khai của FBI cho thấy nhiều khả năng giáo sư kia có liên hệ với Chương trình tuyển mộ “Một nghìn Tài năng” của Trung Quốc. Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2017-10/2018, người này có 300 ngày sống ngoài nước Mỹ.

Tại một thời điểm, nguồn tin cũng báo cho FBI rằng Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ và một nhà ngoại giao Trung Quốc ở New York sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh khoa học ở Boston cùng với nhiều quan chức khác đến từ Bắc Kinh – số đến Mỹ để “tuyển mộ các cá nhân nhằm …. (nội dung bị che đi). Nhà khoa học Mỹ là một trong số ít đại biểu dự kiến phát biểu trong buổi khai mạc sự kiện này. 

Bản khai làm mờ không nhắc đến tên ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ từ năm 2013 đến nay, hay tên của nhà ngoại giao tại New York. Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington phủ nhận thông tin cho rằng quan chức ngoại giao của sứ quán hỗ trợ tuyển mộ các nhà khoa học sở tại. “Cáo buộc đó không gì ngoài những lời thêu dệt độc hại”, bà Fang Hong, người phụ trách phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc nêu quan điểm trước tờ Washington Examiner. 

Một nguồn tin mật thứ hai cũng báo cho FBI biết rằng chi phí đi lại giữa Mỹ và Trung Quốc của nhà khoa học kia được Chính phủ Trung Quốc chi trả và những hành vi của người này cho thấy đứng đằng sau là sự hỗ trợ của chính quyền Bắc Kinh. Theo FBI, phần lớn thông tin do hai nguồn này cung cấp đều “đã được chứng thực” bởi các cuộc điều tra do các thành viên của FBI và các cơ quan thực thi pháp luật khác tiến hành. 

Trước đề nghị trả lời các nội dung liên quan, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ hướng dẫn phóng viên tờ Washington Examiner liên hệ với FBI. Nhưng FBI sau đó cũng không đưa ra bình luận khi được yêu cầu phản hồi. 

Đây không phải là trường hợp duy nhất cho thấy Trung Quốc đang tìm cách thuyết phục các nhà khoa học mang kết quả nghiên cứu của họ ra nước ngoài. Tài liệu được FBI trưng ra tại tòa liên bang cũng cho thấy, Trung Quốc đã có những bước đi chủ động để che giấu chương trình tuyển mộ trước sự kiểm soát gắt gao từ Mỹ; yêu cầu người thực hiện thay đổi cách thức tiếp xúc với các ứng viên tiềm năng. 

Tuấn Linh/Báo Tin tức
Cựu giáo sư hàng đầu Đại học Harvard bị truy tố vì làm việc cho Trung Quốc
Cựu giáo sư hàng đầu Đại học Harvard bị truy tố vì làm việc cho Trung Quốc

Một cựu giáo sư hàng đầu của Đại học Harvard bị truy tố vì khai báo không thành khẩn trước cơ quan liên bang về việc tham gia vào một dự án tuyển mộ nhân tài cho Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN