Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã trao quyền quyết định cho một ủy ban giám sát độc lập mới được thành lập, gồm 20 thành viên.
Ban Giám sát trực thuộc Facebook có quyền đưa ra những khuyến nghị liên quan đến chính sách cũng như quyết định về nội dung thuộc diện bị loại bỏ. Đây sẽ là nơi có tiếng nói quyết định liệu ông Trump có được sử dụng trở lại nền tảng Facebook hay không.
Liên quan đến cựu Tổng thống Trump, Facebook cho biết đã yêu cầu Ban Giám sát “đánh giá và đề xuất về chấm dứt sử dụng tài khoản khi người dùng là một nhà lãnh đạo chính trị”, đồng nghĩa với việc quyết định của Ban về trường hợp ông Trump sẽ có ảnh hưởng tới việc cấm sử dụng tài khoản Facebook đối với các nhà lãnh đạo thế giới trong tương lai.
Facebook đã đồng ý sẽ chấp nhận những phán quyết của Ban Giám sát về loại bỏ nội dung, ngay cả khi việc làm này đi ngược lại những quyết định trước đó của Facebook. Đó là nhờ vào việc Ban Giám sát hoạt động hoàn toàn độc lập với cơ cấu tổ chức của Facebook.
Tính đến thời điểm này, Facebook thực hiện tương đối tốt cam kết của mình về gỡ bỏ nội dung. Ngay sau khi Ban Giám sát ra năm phán quyết hồi tuần trước, bật lại bốn quyết định của Facebook, nền tảng mạng xã hội này đã lên tiếng xác nhận phục hồi tất cả các nội dung đã bị xóa.
Tuy nhiên, Facebook không cam đoan sẽ thực thi mọi đề xuất chính sách liên quan đến phán quyết Ban Giám sát. Điều này đồng nghĩa đề xuất xử lý nhân vật chính trị mà Ban đưa ra có theo chiều hướng nào, quyền quyết định vẫn thuộc về cá nhân Facebook. Khuyến nghị chính sách trong trường hợp này là vấn đề độc lập với kiểm duyệt nội dung cấm, dù đều nằm trong thẩm quyền của Ban Giám sát.
Số phản đối Facebook mạnh nhất tỏ ra nghi ngờ đối với quy trình mà tập đoạn này thực hiện để xử lý lệnh cấm với ông Trump. Theo Jessica Gonzalez, Giám đốc điều hành của tổ chức “Tự do Báo chí” (Free Press), việc Facebook đã cấm vĩnh viễn tài khoản của ông Trump, nhưng giờ quay sang khởi động quy trình xem xét lại ở Ban Giám sát là hành động thiếu dũng cảm. Vấn đề không nằm ở các thành viên trong Ban, mà là cách thức Facebook định hình quy trình.
“Câu hỏi đặt ra là: Liệu Ban Giám sát sẽ thực sự là người chịu trách nhiệm cho Facebook, hay họ chỉ là công cụ bù nhìn để thể hiện quan điểm của tập đoàn này. Nhìn về cấp độ thẩm quyền Facebook trao cho Ban cũng như về giám sát trường hợp của ông Trump, có vẻ như Ban Giám sát chỉ là công cụ. Bởi một cá nhân ở lại hay bị loại khỏi nền tảng mạng xã hội không thể chỉ căn cứ vào một hay hai nội dung người đó đăng trên mạng”, bà Gozalez nói.
Jessica Gonzalez cũng là một thành viên của “Ban Giám sát Facebook Thực chất” (RFOB), một nhóm hội tụ các nhà ủng hộ công nghệ được thành lập sau khi Facebook cho ra đời Ban Giám sát vào tháng 5/2020. Nhóm này có thiên hướng chỉ trích cách thức Facebook đang xử lý những trường hợp gây tranh cãi.
Hôm 5/2, RFOB đã cho mở mục bình luận công khai, yêu cầu Facebook giữ nguyên lệnh cấm đối với ông Trump. “Chúng tôi chỉ có một thông điệp đơn giản: Đảo ngược lệnh cấm đối với ông Trump là lời mời gọi cho bạo lực, hận thù và thông tin sai lệch, với hệ quả là nhiều người mất mạng sống, nền dân chủ bị hủy hoại”, RFOB nêu quan điểm.
Theo Scott Talan, Giáo sự trợ giảng tại Đại học Truyền thông Mỹ, việc Ban Giám sát đảo ngược lệnh cấm với ông Trump sẽ là thảm họa tồi tệ nhất đối với Zuckerberg và Facebook. Ông Talan nhận định, việc đẩy quyết định sang cho Ban Giám sát giúp Zuckerberg có được tấm khiên chống đỡ búa rìu dư luận, nhưng tấm khiên đó rồi cũng sẽ vỡ vụn.