Thông báo của Facebook ngày 31/1 nêu rõ, mạng xã hội này sẽ giúp "bảo vệ" cuộc bầu cử tại Thái Lan bằng cách tạm thời không cho phép đăng các thông tin quảng cáo từ các thực thể nước ngoài có liên quan đến bầu cử.
Các quy định mới sẽ có hiệu lực từ trung tuần tháng 2 tới và được áp dụng cho các quảng cáo chính trị có nội dung liên quan tới "các chính trị gia, các đảng phái" và "đi bỏ phiếu"... Ngoài ra, các quảng cáo liên quan tới các khẩu hiệu chính trị và logo của các đảng phái cũng sẽ bị xóa bỏ.
Theo Facebook, các quy định này sẽ không chỉ được áp dụng đối với cuộc bầu cử ở Thái Lan mà còn ở nhiều nước khác.
Giám đốc chính sách toàn cầu của Facebook Katie Harbath cho biết đây là biện pháp phòng ngừa mà Facebook sẽ thực hiện tại các cuộc bầu cử khác nhau trên thế giới. Các quy định này nhằm đảm bảo Facebook đang xem xét tất cả các khía cạnh khác nhau mà những đối tượng xấu có thể sử dụng để khai thác nền tảng này.
Mạng xã hội Facebook được sử dụng khá rộng rãi ở Thái Lan, với khoảng 52 triệu người dùng hằng tháng.
Cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan dự kiến diễn ra ngày 24/3 tới nhằm khôi phục chính quyền dân sự. Đây sẽ là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 và "mở màn" cho mùa bầu cử bận rộn ở châu Á. Ấn Độ và Indonesia cũng dự kiến tổ chức bầu cử trong vài tháng tới.
Facebook đưa ra biện pháp trên sau một năm “đầy sóng gió” với hàng loạt vụ bê bối về rò rỉ dữ liệu và những lo ngại mạng xã hội lớn nhất thế giới này bị lợi dụng cho các mục đích chính trị. Các quảng cáo của Facebook là tâm điểm trong cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử này giúp ông Donald Trump đắc cử vào Nhà Trắng, điều mà Moskva luôn bác bỏ là "vô căn cứ" và "bịa đặt".