Theo truyền thông Trung Quốc, Evergrande đã gửi một khoản thanh toán trái phiếu trị giá 83,5 triệu USD vào tài khoản ủy thác của Citibank hôm 21/10, một ngày trước thời hạn trả lãi cho trái phiếu bằng USD của mình.
Công ty đang ngập trong đống nợ khổng lồ này sẽ phải thanh toán hàng loạt trái phiếu khác, hiện lên tới khoảng 306 tỷ USD. Hạn chót tiếp theo cho việc thanh toán trái phiếu là ngày 29/10 với khoản tiền 47,5 triệu USD. Sau đó, nó cần thanh toán 338 triệu đô la trong các khoản thanh toán bằng trái phiếu ra nước ngoài trong tháng 11 và tháng 12.
Dữ liệu từ Duration Finance cho thấy giá trái phiếu bằng đồng USD của Evergrande đã tăng vọt vào sáng 22/10 sau tin tức về việc chuyển tiền thanh toán trái phiếu. Tuy nhiên, số liệu sau đó đã giảm trong phiên giao dịch buổi chiều ở châu Á, đẩy một số trái phiếu khác của công ty mất giá hơn 6%. Cổ phiếu của Evergrande giao dịch tăng 4,3% vào thời điểm đóng cửa thị trường, nhưng vẫn giảm 8,8% hàng tuần.
Công ty bất động sản này đã cố gắng gây quỹ trong những tuần qua, nhưng mọi nỗ lực đều vô ích. Một thỏa thuận trị giá 2,6 tỷ USD đã được thông qua vào đầu tuần này, khi các cuộc đàm phán bán 50,1% cổ phần trong chi nhánh Evergrande Property Services cho Hopson Development Holdings kết thúc trong bế tắc.
Trước đó, Reuters đã đưa tin về vụ bán trụ sở chính ở Hong Kong trị giá 1,7 tỷ USD của tập đoàn này đã thất bại vào tuần trước do người mua giấu tên lo lắng về tình hình tài chính của Evergrande.
Trong khi đó, đăng trên tài khoản WeChat, Evergrande ngày 24/10 cho biết đã nối lại hoạt động tại ít nhất 10 dự án ở Thâm Quyến, Đông Quan và các thành phố khác của Trung Quốc. Một số dự án đã bước vào giai đoạn trang trí nội thất trong khi những dự án khác vừa mới xây xong. Tuy nhiên, viễn cảnh Evergrande vỡ nợ đã khiến hơn 1.300 dự án bất động sản của công ty này ở 280 thành phố gặp nguy hiểm.
Nếu không vỡ nợ, Evergrande có kế hoạch chuyển trọng tâm từ phát triển bất động sản sang kinh doanh xe điện. Theo Chủ tịch Hui Ka Yan, công ty đặt mục tiêu phát triển lĩnh vực xe điện mới, ra mắt vào năm 2019, thay vì kinh doanh bất động sản trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa tiết lộ mô hình sản xuất cũng như chưa bán chiếc xe nào.
Từng là nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc, Evergrande đang lún sâu trong núi nợ lên đến 306 tỷ USD, tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Tập đoàn này đang nỗ lực huy động vốn để trả cho các đơn vị cho vay, nhà cung cấp và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng thanh khoản có thể dẫn tới sự sụp đổ.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings của Mỹ đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Evergrande từ mức "CC" xuống "CCC+", tức là chỉ trên mức vỡ nợ trong thang xếp hạng của cơ quan này. Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande cũng khiến doanh thu của 100 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Trung Quốc giảm tới 36% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, hơn 60% trong số này bị sụt giảm doanh số bán hàng ở mức hơn 30%.
Tuy vậy, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuyên bố nguy cơ về khủng hoảng của tập đoàn bất động sản Evergrandehiện “nằm trong tầm kiểm soát” và bất ổn không có khả năng lan rộng ra thị trường.