EU trừng phạt chính quyền quân sự Thái Lan

Ngày 23/6, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã lên án việc quân đội Thái Lan tiếm quyền cách đây một tháng và nhất trí về các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự tại quốc gia Đông Nam Á này.

 

Binh sĩ Thái Lan tại giao lộ Ratchaprasong ở Bangkok ngày 1/6. Ảnh: AFP-TTXVN


Thông cáo của ngoại trưởng 28 nước EU nêu rõ liên minh tạm ngừng cả các chuyến thăm chính thức tới Thái Lan và đình chỉ việc ký kết một thỏa thuận đối tác và hợp tác với Bangkok. Các bộ trưởng cũng bày tỏ “cực kỳ quan ngại” về những diễn biến của tình hình tại Thái Lan và nhấn mạnh giới quân sự cần phải khôi phục “một cách khẩn trương tiến trình dân chủ hợp pháp và Hiến pháp thông qua các cuộc bầu cử đáng tin cậy và toàn diện”. EU cũng thúc giục chính quyền quân sự Thái Lan tôn trọng nhân quyền, quyền tự do; đồng thời, cảnh báo sẽ xem xét lại tất cả các mối quan hệ với Thái Lan và không loại trừ việc "cân nhắc việc áp đặt các biện pháp mạnh mẽ hơn" tùy thuộc vào diễn biến tình hình tại nước này thời gian tới.


Thông cáo kết luận: “Chỉ một lộ trình đáng tin cậy và khẩn trương quay lại chế độ lập hiến và tổ chức các cuộc bầu cử đáng tin cậy, toàn diện” mới có thể cho phép bình thường hóa quan hệ EU - Thái Lan.


Trước đó, Mỹ và các đồng minh châu Âu ở bên kia bờ Đại Tây Dương đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến chính trị căng thẳng tại Thái Lan và hối thúc nước này nhanh chóng trở lại tiến trình dân chủ. Sau vụ đảo chính của quân đội ngày 22/5 vừa qua, EU ra tuyên bố nêu rõ "quân đội Thái Lan cần công nhận và tôn trọng quyền hiến định của chính quyền dân sự", đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành các cuộc bầu cử trong thời gian sớm nhất và kêu gọi các bên kiềm chế. Trong khi đó, Mỹ khẳng định quân đội Thái Lan "không có lý do gì" để tiến hành vụ đảo chính và cảnh báo động thái này có thể làm tổn hại quan hệ giữa hai nước, nhất là quan hệ với quân đội Thái Lan. Washington đã thông báo hủy bỏ hàng loạt chương trình hợp tác với Thái Lan, trong đó có cuộc tập trận, c hương trình huấn luyện vũ khí cho Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan và chương trình thăm quan Mỹ nhằm nâng cao nghiệp vụ dành cho cảnh sát cấp cao Thái Lan, cũng như các chuyến thăm trao đổi quân sự giữa hai nước.


Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 22/6 cho thấy chính quyền quân sự Thái Lan đã giành được sự ủng hộ cao của người dân sau một tháng điều hành đất nước.


Theo kết quả thăm dò do "Suan Dusit Poll" tiến hành từ ngày 17-21/6, trung bình 10 người được hỏi thì có 8,82 người ủng hộ cách điều hành của Hội đồng Hòa bình và trật tự quốc gia (NCPO) trong một tháng qua. Trong số 1.614 người tham gia cuộc khảo sát trên toàn quốc, 72,79% cho rằng đất nước đã hòa bình trở lại và không còn xung đột kể từ khi NCPO lên nắm quyền. Đa số người được hỏi cũng cho rằng NCPO đã giải quyết một số vấn đề then chốt như thanh toán khoản tiền nợ quá hạn cho những người nông dân tham gia chương trình trợ giá gạo của chính phủ tiền nhiệm, hay hạ giá sinh hoạt. Khoảng 65% hy vọng NCPO tiếp tục nắm quyền cho đến khi đất nước ổn định hoàn toàn.

 

TTXVN/ Tin Tức

Hầu hết người Thái Lan ủng hộ chính quyền quân sự
Hầu hết người Thái Lan ủng hộ chính quyền quân sự

Kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 22/6 cho thấy chính quyền quân sự Thái Lan đã giành được sự ủng hộ cao của người dân sau một tháng điều hành đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN