Theo hãng tin Reuters, Ukraine cho biết trong những tuần gần đây, Nga thực hiện một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất. Iran phủ nhận cung cấp máy bay không người lái cho Nga, trong khi Điện Kremlin không bình luận về việc này.
Ba máy bay không người lái do các lực lượng Nga vận hành đã tấn công thị trấn Makariv ở phía tây thủ đô Kiev vào sáng 1/10. Các quan chức Ukraine nói rằng máy bay không người lái cảm tử do Iran sản xuất đã nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng.
Trong cuộc họp vào ngày 17/10 tới đây, mặc dù chưa có danh sách trừng phạt mới nhưng các nhà ngoại giao EU có thể sẽ đạt thỏa thuận chính trị nhằm dọn đường cho các biện pháp trừng phạt sau này.
EU đã chuẩn bị áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản của 15 người Iran. Những người này liên quan các cuộc trấn áp người biểu tình phản đối vụ một người phụ nữ tên là Mahsa Amini, 22 tuổi chết khi bị cảnh sát giam giữ.
Pháp và Đức cho rằng các biện pháp trừng phạt mới liên quan đến máy bay không người lái mà Nga sử dụng là cần thiết, cho rằng cần coi hành động chuyển giao máy bay không người lái cho Nga là vi phạm nghị quyết 2231của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Nghị quyết 2231 đã bảo trợ cho thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và 6 quốc gia (Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ). Thỏa thuận này hạn chế hoạt động làm giàu uranium của Iran, đổi lại Iran sẽ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của EU cho biết các ngoại trưởng sẽ thảo luận về vấn đề Iran vào ngày 17/10 nhưng không cho biết cụ thể vấn đề.
Ngày 1/10, Bộ Ngoại giao Pháp nói họ sẽ tham vấn với các đối tác EU về cách ứng phó với hoạt động của máy bay không người lái và lần đầu tiên, họ sẽ gắn động thái cung cấp máy bay không người lái này với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nói rằng hoạt động như vậy là vi phạm nghị quyết.
Theo nghị quyết trên, lệnh cấm vận vũ khí Iran sẽ có hiệu lực cho đến tháng 10/2020. Bất chấp những nỗ lực của Mỹ nhằm gia hạn lệnh cấm vận vũ khí, Hội đồng Bảo an đã bác bỏ điều này, dọn đường cho Iran nối lại xuất khẩu vũ khí.
Tuy nhiên, nghị quyết vẫn cấm tên lửa và các công nghệ liên quan đến tháng 10/2023 và cấm cả hoạt động xuất khẩu, mua các hệ thống quân sự tiên tiến.
Một nguồn tin ngoại giao cho biết các máy bay không người lái được đề cập ở trên thuộc diện chịu Chế độ Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (MTCR). Đây là thỏa thuận chính trị không chính thức giữa 35 quốc gia đang tìm cách hạn chế phổ biến tên lửa, công nghệ tên lửa và máy bay không người lái, theo đó, hành động bán các loại vũ khí này sẽ vi phạm nghị quyết.
Nghị quyết của Liên hợp quốc không đề cập đến MTCR, nhưng đề cập đến một lá thư do Mỹ trình lên Hội đồng Bảo an về MTCR. Iran không tham gia MTCR, nhưng Nga có tham gia và hiện là chủ tịch.
Ngày 9/9, Mỹ đã trừng phạt một công ty Iran bị cáo buộc điều phối các chuyến bay quân sự để vận chuyển máy bay không người lái của Iran tới Nga. Mỹ cũng trừng phạt 3 công ty khác có liên quan đến sản xuất máy bay không người lái của Iran.
Cuộc thảo luận về máy bay không người lái diễn ra khi các bộ trưởng ngoại giao EU chuẩn bị áp dụng các biện pháp trừng phạt liên quan đến cách Iran trấn áp đám đông biểu tình.
Các nhà ngoại giao châu Âu nói rằng gói trừng phạt đó đã được thống nhất giữa các đặc phái viên EU.
Các biện pháp trừng phạt đã khiến Iran gửi công hàm ngoại giao tới các đại sứ châu Âu. Theo công hàm, Iran đã rất ngạc nhiên trước phản ứng của EU với cách xử lý cuộc biểu tình ở Iran và đã cảnh báo rằng biện pháp trừng phạt sẽ làm tổn hại mối quan hệ với Iran, gây ảnh hưởng nặng nề tới tiến trình khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Iran cho rằng các yếu tố bên ngoài chính là nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình do ở Iran.