Đây là một trong những sáng kiến quan trọng nhất của EU nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực công nghiệp, đồng thời giúp các doanh nghiệp châu Âu duy trì lợi thế cạnh tranh trước tác động từ chính sách thương mại ngày càng cứng rắn của Mỹ và Trung Quốc.
Trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế - từ giá năng lượng cao, quy định hành chính phức tạp đến những rào cản trong đổi mới công nghệ, kế hoạch mới của Ủy ban Châu Âu hướng đến việc tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Thỏa thuận Công nghiệp sạch được kỳ vọng sẽ đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp châu Âu phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và tăng cường năng lực sản xuất trong lĩnh vực công nghệ sạch. Cùng với đó, EU cũng phải tìm cách ứng phó với các chính sách thương mại cứng rắn của Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đều đang có những biện pháp bảo hộ thương mại mạnh mẽ nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước.
Cuộc họp tới đây dự kiến sẽ tập trung thảo luận về các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh chính sách năng lượng và thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp sạch. Bà von der Leyen không chỉ trình bày về kế hoạch của EC mà còn thuyết phục giới doanh nghiệp EU rằng Brussels có thể giải quyết các vấn đề mà họ đã đặc biệt quan tâm, như: các quy định chồng chéo, chi phí sản xuất gia tăng và sự thiếu linh hoạt trong chính sách hỗ trợ công nghiệp.
Những người tham dự sự kiện này đến từ các doanh nghiệp đã ký vào Tuyên bố Antwerp - một sáng kiến liên ngành được khởi xướng vào tháng 2/2024 nhằm thúc đẩy EU ưu tiên năng lực cạnh tranh trong chương trình nghị sự. Nhóm vận động hành lang Cefic - đại diện cho ngành hóa chất châu Âu - sẽ là đơn vị tổ chức sự kiện. Cuộc họp dự kiến có sự tham gia của các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, hóa chất và sản xuất - những ngành đang chịu tác động lớn từ biến động kinh tế toàn cầu.
Ngoài mục tiêu thúc đẩy công nghiệp sạch, một trong những thách thức lớn nhất đối với EU là đảm bảo rằng doanh nghiệp châu Âu không bị đặt vào thế bất lợi trong cuộc cạnh tranh thương mại với Mỹ và Trung Quốc. Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ thương mại, như việc áp thuế mới và siết chặt kiểm soát chuỗi cung ứng công nghiệp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ. Đồng thời, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ ngành sản xuất trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng tái tạo, tạo ra sức ép lớn đối với các doanh nghiệp châu Âu.
Chính sách cấm vận ở nước ngoài của chính quyền Mỹ cũng có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp EU trong việc tiếp cận thị trường quốc tế. Nếu không có chiến lược thích ứng phù hợp, các doanh nghiệp châu Âu có thể rơi vào tình thế bất lợi khi phải cạnh tranh trực tiếp với các công ty Mỹ và Trung Quốc - những bên đang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ của họ. Đây là một trong những vấn đề mà bà von der Leyen cần tìm giải pháp, để đảm bảo rằng EU có chính sách đủ mạnh nhằm bảo vệ doanh nghiệp của mình mà không làm gia tăng căng thẳng thương mại với Washington và Bắc Kinh.
Ngoài ra, EU đang đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc đua công nghệ sạch, trong khi Mỹ và Trung Quốc đã tích cực triển khai các gói hỗ trợ quy mô lớn nhằm thúc đẩy đổi mới công nghiệp. Ngược lại, EU vẫn vướng phải những rào cản về quy định và thiếu các cơ chế khuyến khích hiệu quả. Do đó, việc bà von der Leyen gặp gỡ các CEO ngay sau khi công bố kế hoạch kinh tế mới không chỉ là một bước đi quan trọng mà còn cho thấy nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là giải pháp nhằm đảm bảo rằng các chính sách của EC có thể nhận được sự đồng thuận rộng rãi hơn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.
Cuộc họp sắp tới dự kiến sẽ mở đầu bằng bài phát biểu của bà von der Leyen, sau đó là các phiên thảo luận bàn tròn với sự tham gia của các CEO hàng đầu châu Âu. Các lãnh đạo doanh nghiệp khác sẽ tham gia các cuộc họp riêng với các ủy viên châu Âu để thảo luận về các vấn đề cụ thể liên quan đến chính sách công nghiệp và thương mại của EU. Đây là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp lớn bày tỏ quan điểm trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách cấp cao của khối.
Ủy ban Châu Âu hiện chưa đưa ra bình luận chính thức về sự kiện này. Theo thông lệ, chương trình nghị sự của Chủ tịch EC sẽ được công bố trong tuần diễn ra sự kiện. Trong bối cảnh nhiều thách thức đang chờ đợi phía trước, bà von der Leyen cần đưa ra những cam kết cụ thể và thuyết phục nhằm đảm bảo rằng EU có thể duy trì sức cạnh tranh, thúc đẩy công nghiệp sạch và thích ứng linh hoạt với các thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ và Trung Quốc.