Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các cuộc đàm phán gia nhập EU thường sẽ kéo dài nhiều năm, trải rộng trên 35 nhóm vấn đề như kinh tế, năng lượng, pháp quyền và nhân quyền..., theo đó có thể hỗ trợ những nước muốn tham gia EU từng bước điều chỉnh các chính sách phù hợp với tiêu chuẩn của khối.
Montenegro bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập EU vào năm 2012. Tính đến nay, nước này và EU đã tiến hành thảo luận 30 nhóm vấn đề, trong đó 2 nhóm vấn đề vừa được xúc tiến là về quyền tự do đi lại cho người lao động và dịch vụ. Theo Ủy viên phụ trách vấn đề mở rộng của EU Johannes Hahn, nhóm vấn đề vừa được tiến hành thảo luận được xem là "cốt lõi của EU". Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Montenegro Aleksandar Pejovic tin rằng những bước tiến trong nỗ lực đàm phán gia nhập EU sẽ tiếp thêm động lực giúp "Montenegro tiếp tục thành công với việc thực hiện cải cách".
Trong khi đó, Serbia bắt đầu đàm phán gia nhập EU từ tháng 1/2014. Hiện hai bên đã tiến hành thảo luận 12 nhóm vấn đề, trong đó mới nhất là về luật công ty và quan hệ đối ngoại. Theo Bộ trưởng phụ trách vấn đề hội nhập châu Âu của Serbia Jadranka Joksimovic, việc EU thúc đẩy các cuộc đàm phán kết nạp "là một thành tựu đáng mừng của Serbia", đồng thời là một chỉ dấu cho các nhà đầu tư thấy rằng "Serbia là một đất nước ổn định".
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker khẳng định EU sẽ không kết nạp thêm thành viên trong nhiệm kỳ của ông (kết thúc vào năm 2019). Tuy nhiên, ông nhận định việc EU vươn rộng sang khu vực Balkan sẽ là yếu tố sống còn đảm bảo sự ổn định ở các nước láng giềng của khối. Hiện tại, Macedonia và Albania cũng đang mong muốn được gia nhập khối liên minh này.