Hãng Airbus cũng đã ban hành một "Thông tư dịch vụ khẩn cấp" (ASB) yêu cầu kiểm tra ngay lập tức.
Khoảng 400 máy bay trên toàn thế giới, bao gồm toàn bộ trực thăng mẫu H125 (AS350 B3e), AS550 và H130 mới được chuyển giao gần đây, tức là chưa đủ 300 giờ bay, sẽ phải trải qua đợt kiểm tra này trước khi được phép tiếp tục bay. Airbus cho biết việc này sẽ chỉ mất 1 giờ cho mỗi máy bay, theo đó kiểm tra bề mặt khoảng nối giữa động cơ đến hộp số chính.
Airbus cho biết: "Đây là một biện pháp cẩn trọng, sau khi có các phát hiện ban đầu của cuộc điều tra chính thức" về vụ một trực thăng H125 rơi ở miền Bắc Na Uy ngày 31/8 vừa qua. Tuyên bố của hãng cũng nhấn mạnh rằng "điều đó không có nghĩa là nguyên nhân vụ việc đã được làm rõ". Về phần mình, Tổ điều tra vụ tai nạn ở Na Uy (AIBN) cho biết vẫn đang tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân và chưa có kết luận nào về vụ tai nạn trên.
Truyền thông Na Uy cho biết chiếc trực thăng gặp nạn đang chở hành khách đến dự liên hoan âm nhạc Hostprell diễn ra tối cùng ngày. Có 4 người trên máy bay này đã thiệt mạng, 1 người bị thương và 1 người vẫn mất tích. Lực lượng cứu hộ Na Uy cho biết không có dấu hiệu cho thấy nguyên nhân tai nạn do thời tiết xấu.
Năm 2016, một chiếc trực thăng Super Puma của Airbus đã rơi ngoài khơi bờ biển của Na Uy làm toàn bộ 13 người trên máy bay thiệt mạng, nguyên nhân là một vấn đề trong hộp số. Sau vụ việc này, chính quyền Na Uy đã khuyến cáo Airbus sửa lại thiết kế hộp số chính của các mẫu trực thăng AS 332 L2 và EC 225 LP Super Puma. Các mẫu này khác với mẫu AS350 B3e rơi hồi tháng 8.