Airbus đã dẫn đầu về số đơn đặt hàng tại sự kiện trên, với 6 tỷ USD trong ngày 18/6, trong đó có đơn hàng bán 36 chiếc cho hãng hàng không Cebu Air của Philippines, trong đó có 10 chiếc A321XLR đời mới vừa được chào hàng ngày 17/6 tại triển lãm.
Hãng máy bay châu Âu này cũng có đơn hàng bán thêm 30 chiếc máy bay A320neo cho hãng hàng không Saudi Arabia Airlines, trị giá 3,3 tỷ USD, trong khi hãng hàng không AirAsia của Malaysia đã chuyển đổi đơn đặt hàng 253 chiếc A320neo sang mô hình A321neo lớn hơn. Số tiền cuối cùng của thỏa thuận với AirAsia không được công bố.
Trong khi đó, hãng Boeing đã giành được những đơn hàng đầu tiên ngay khi triển lãm được khai mạc, với việc hãng hàng không Korean Air cam kết mua 20 chiếc 787 Dreamliner trị giá 6,3 tỷ USD. Tập đoàn Air Lease Corp cũng cam kết mua 5 chiếc 787 Dreamliner, trị giá 1,5 tỷ USD.
Cổ phiếu của Airbus đã tăng 0,6% và đạt mức cao kỷ lục 126,50 euro trong phiên giao dịch lúc 19h25 theo giờ Hà Nội. Cổ phiếu của Boeing cũng tăng hơn 1%.
Tuy nhiên, sự kiện thường niên lớn nhất trong ngành công nghiệp hàng không lần này được đánh giá khá yên ắng so với mọi năm, làm dấy lên tin đồn rằng thời kỳ phát đạt thịnh vượng kéo dài một thập kỷ có thể sắp đến hồi kết.
Khi các hãng hàng không đang vất vả với tình trạng thừa năng lực, các nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại và những căng thẳng địa chính trị, một số chuyên gia phân tích cảnh báo Airbus và Boeing có thể phải đối mặt với một số lượng hủy hoãn đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Nhất là Boeing, hãng vừa gặp phải sự cố với loại máy bay 737 MAX trong tháng 3 sau hai thảm họa rơi máy bay.
Airbus và Boeing vẫn tin tưởng rằng nhu cầu sẽ tiếp tục mạnh đối với loại máy bay tiết kiệm nhiên liệu vì các quy định về khí thải đang ngày một thắt chặt và vận tải hàng không vẫn đang tăng nhờ tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh tại châu Á. Boeing đã tăng mức dự báo nhu cầu máy bay trong 20 năm tới.