Trong một văn bản hướng dẫn về khả năng bay đề ngày 5/7, EASA cho biết "đã ghi nhận việc phát hiện vết nứt ở một số phần nhất định trên cánh máy bay A380 đang được sử dụng. Nếu không phát hiện và khắc phục tình trạng này có thể làm giảm tình trạng nguyên vẹn về kết cấu của cánh máy bay. Để giải quyết tình trạng không an toàn này có nguy cơ xảy ra, Airbus có kế hoạch ban hành bản tin dịch vụ (SB) nhằm cung cấp sự hướng dẫn kiểm tra. Với hướng dẫn này, các hãng hàng không không phải đình chỉ hoạt động của bất kỳ máy bay nào.
Trong khi đó, nhật báo Les Echos của Pháp cho biết EASE đã khuyến nghị các hãng hàng không kiểm tra bằng siêu âm đối với phần cánh của 25 trong tổng số 234 máy bay A380 đang hoạt động, nhất là những máy bay được sản xuất cách đây hơn 15 năm. Theo EASE, căn cứ vào những phát hiện qua kiểm tra, hãng Airbus sẽ có hành động tiếp theo để khắc phục vấn đề này ở những máy bay đang hoạt động.
Đây không phải là lần đầu tiên máy bay A380, loại máy bay chở khách lớn nhất, gặp lỗi như vậy. Hồi năm 2012, hãng đã bỏ ra hàng triệu USD để sửa chữa và bảo dưỡng liên quan tới vết nứt trên cánh máy bay.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ chao đảo sau khi máy bay Boeing 737 MAX, dòng máy bay "đắt hàng nhất" của Boeing, hiện vẫn đang bị cấm bay trên phạm vi toàn cầu sau khi xảy ra 2 vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Lion Air của Indonesia và hãng hàng không Ethiopian Airlines của Ethiopia chỉ trong vòng 5 tháng. Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS), còn gọi là hệ thống lái tự động trong trường hợp nguy hiểm, được cho là nguyên nhân gây ra các tai nạn thảm khốc trên và khiến hàng trăm người thiệt mạng. Hiện, Boeing đang nỗ lực nâng cấp hệ thống MCAS để có thể đưa dòng máy bay này trở lại hoạt động vào tháng 10 tới.
Theo ước tính của Boeing, hãng sẽ tổn thất 1 tỷ USD từ việc cắt giảm sản xuất Boeing 737 MAX, vì việc giao dòng máy bay này vẫn đang bị đóng băng. Tổn thất trên chưa tính đến số tiền đền bù các nạn nhân và các hãng hàng không liên quan.