Hãng tin Reuters ngày 25/4 dẫn lời Đại diện cấp cao EU về Đối ngoại và An ninh Josep Borrell cho biết, Liên minh châu Âu không có đủ sự ủng hộ từ các quốc gia thành viên đối với một lệnh cấm vận hoàn toàn hoặc thuế quan trừng phạt đối với nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, ông Borrell nêu rõ: "Hiện tại ở EU không có quan điểm thống nhất về vấn đề này".
Ông Borrell thông báo chủ đề trên sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU tiếp theo diễn ra vào cuối tháng tới. Ông nói: “Một đề xuất cuối cùng về một lệnh cấm vận đối với dầu khí vẫn chưa được đưa ra".
Theo ông Borrell, tất cả các quốc gia EU đều đang nỗ lực để cắt giảm phụ thuộc vào dầu khí của Nga.
Cùng ngày, Bộ trưởng Khí hậu Hà Lan Rob Jetten cho biết nước này có kế hoạch chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt của Nga vào cuối năm 2022 bằng cách tập trung vào tiết kiệm năng lượng và đa dạng nguồn nhập khẩu năng lượng từ các nước khác.
Ông Jetten cho biết thêm rằng, giống như phần còn lại của EU, Hà Lan sẽ ngừng nhập khẩu than của Nga vào tháng 8/2022.
Xuất khẩu dầu mỏ là nguồn ngoại tệ chính của Điện Kremlin và nhiều quan chức EU đã kêu gọi chấm dứt thanh toán dầu mỏ.
Một số nước EU cũng đang thúc đẩy gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga và Brussels đang chuẩn bị đánh giá tác động đầy đủ của lệnh cấm dầu như một phần của các biện pháp tiếp theo.
EU có thể sẽ đưa ra đề xuất về gói trừng phạt Nga thứ sáu trong tuần này.
Dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ chiếm hơn một phần ba doanh thu xuất khẩu của Moskva trong năm ngoái. Hiện tại, châu Âu chi khoảng 450 triệu USD mỗi ngày cho dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga, khoảng 400 triệu USD mỗi ngày cho khí đốt và khoảng 25 triệu USD cho than.