EU kêu gọi giải quyết mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp bằng hòa bình

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 5/9, Liên minh châu (EU) đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cáo buộc Hy Lạp chiếm đóng các đảo phi quân sự ở Aegean và nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng "làm những gì cần thiết" khi thời điểm đến.

Chú thích ảnh
Căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là một phần của một loạt các cuộc khủng hoảng kéo dài do những quan điểm trái ngược nhau. Ảnh: turkeygazette.com

Peter Stano, người phát ngôn phụ trách chính sách đối ngoại của Văn phòng Cơ quan hành động đối ngoại Liên minh châu Âu (EAES), cho biết các tuyên bố của giới lãnh đạo chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Hy Lạp làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng và hoàn toàn mâu thuẫn với những nỗ lực giảm leo thang rất cần thiết ở khu vực Đông Địa Trung Hải được đưa ra trong các kết luận của Hội đồng châu Âu hồi tháng 3 và tháng 6/2021 và tháng 6/2022.

EU đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các khác biệt cần được giải quyết một cách hòa bình, tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế và lợi ích sống còn cũng như hợp pháp của các quốc gia. Tham gia vào cuộc đối thoại chân thành và có ý nghĩa là điều không thể thiếu để xoa dịu căng thẳng, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp. EU nhắc lại mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ làm việc nghiêm túc để xoa dịu căng thẳng một cách bền vững vì lợi ích của sự ổn định khu vực ở Đông Địa Trung Hải và tôn trọng đầy đủ chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước thành viên EU.

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, hai nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần đây gia tăng, liên quan đến các quần đảo phía đông biển Aegean. Số phận các quần đảo này được định đoạt sau Chiến tranh Balkan 1912-1913 bởi các thỏa thuận giữa 6 bên gồm Áo, Hungary, Anh, Pháp, Nga, Italy và Đức. Các cường quốc châu Âu năm 1914 quyết định các quần đảo trên sẽ thuộc chủ quyền của Hy Lạp, chứ không phải Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lập luận các quần đảo nêu trên được trao cho Hy Lạp theo hiệp ước năm 1923 và năm 1947 với điều kiện Athens không quân sự hóa khu vực vì chúng nằm gần đất liền Thổ Nhĩ Kỳ.

Hương Giang (TTXVN)
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo có thể tấn công đảo của Hy Lạp
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo có thể tấn công đảo của Hy Lạp

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã chuẩn bị sẵn sàng để "làm những gì cần thiết" khi thời điểm đến liên quan đến những hòn đảo tranh chấp với Hy Lạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN