Phát ngôn của nhà chức trách được đưa ra khi EU thảo luận về tác động địa chính trị từ hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels, ông Borrell nhấn mạnh EU phải tăng cường cam kết song phương với các nước thứ ba và đưa ra một kế hoạch vượt ra ngoài việc xử lý khủng hoảng hàng ngày.
Nhà chức trách cho biết “Sáng kiến Cổng toàn cầu” của EU là cách để khối này tương tác với các quốc gia vào thời điểm thế giới bị chia cắt thành “hai hệ sinh thái phát triển công nghệ khác nhau” và mỗi bên đều tìm cách thu hút mọi người về phía mình.
Ông Borrell lưu ý EU phải áp dụng “cách tiếp cận mang tính cấu trúc” trong chính sách đối với các quốc gia không cùng quan điểm với EU và không muốn đứng về phía nào.
Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU cũng bác bỏ sáng kiến hòa bình cho Ukraine do Trung Quốc và Brazil đưa ra trong những tháng gần đây.
Trước đó, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cho rằng Mỹ và các đồng minh châu Âu đang thúc đẩy chiến tranh ở Ukraine bằng cách cung cấp vũ khí cho Kiev.
Kế hoạch đàm phán hòa bình của nhà lãnh đạo đã được Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ca ngợi vào tuần trước, trong khi Nhà Trắng cáo buộc Tổng thống Brazil “không nhìn vào sự thật”.
Về phần mình, Trung Quốc ngày 24/2 đã đề xuất giải pháp chính trị gồm 12 điểm đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine, trong đó kêu gọi các bên ngừng bắn và nối lại đàm phán hòa bình, và giải quyết các vấn đề cốt lõi, bao gồm cả việc mở rộng thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu.
Trước kế hoạch hòa bình mà Trung Quốc đề xuất, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không phản đối hoàn toàn. Nhà lãnh đạo cho biết ông đồng tình với một số điểm trong đề xuất của Trung Quốc nhưng vẫn còn nhiều trở ngại.