Đây là cảnh báo của Ủy viên ngân sách EU Guenther Oettinger đưa ra ngày 16/9 tại cuộc họp cấp bộ trưởng của các nước thành viên EU ở Brussels, Bỉ.
Ông Oettinger bày tỏ lo ngại châu Âu sẽ rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế và địa chính trí nếu không nhất trí về ngân sách trước đầu tháng 1 tới. Quan chức này nhắc lại những cảnh báo Đức và một số nền kinh tế khác trong EU đang đối mặt với những nguy cơ suy thoái kinh tế.
Theo tài liệu đại diện Đức đưa ra tại cuộc họp, chính phủ nước này đề xuất ngân sách của EU trong giai đoạn 2021-27 giới hạn ở mức 1% Tổng thu nhập quốc dân (GNI) của 27 nước thành viên. Tài liệu nêu rõ các mức đóng góp của các nước thành viên còn lại sẽ tăng đáng kể, ngay cả với mức đề xuất như trên khi Anh rời “mái nhà chung” châu Âu khiến EU mất đi một trong những nguồn đóng góp lớn nhất cho ngân sách dài hạn của khối. Bên cạnh đó, Đức – nền kinh tế lớn nhất EU và là nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách của khối – cũng đề xuất các nước thành viên khác tăng cường hỗ trợ các dự án đối phó với vấn đề di cư và biến đổi khí hậu.
Khung tài chính dài hạn cho giai đoạn 2021-2027 sẽ đặt ra các giới hạn về chi tiêu cùng các ưu tiên của khối trong thời gian trên. Ủy ban châu Âu đề xuất con số 1.280 tỷ euro (1.440 tỷ USD) cho ngân sách 7 năm tiếp theo của khối, so với mức 1.090 tỷ euro cho giai đoạn 2014-2020. Nhưng Anh, một nước đóng góp ròng lớn cho các quỹ của EU, có thể sẽ không còn là thành viên của khối trong tương lai, và như vậy các thành viên khác sẽ phải tăng mức đóng góp.
Phần Lan, hiện đang là nước chủ tịch luân phiên EU, hy vọng các lãnh đạo EU sẽ có thể nhất trí về một dự thảo ngân sách tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 10 tới. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng EU khả năng sẽ mất nhiều thời gian hơn để đưa ra con số cụ thể.