Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) và các hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia.
Ông Borrell cũng nêu bật những quan tâm hàng đầu về an ninh của EU. Trước tiên, đó là mối liên hệ giữa khủng hoảng khí hậu và an ninh. ARF cần có nhận thức chung về tác động to lớn và ngày càng tăng của tình trạng biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh. Các hiện tượng khí hậu cực đoan tái diễn, nhiệt độ và mực nước biển dâng cao, sa mạc hóa và khan hiếm nước là những yếu tố gây ra tình trạng di cư, đại dịch, bất ổn xã hội, xung đột, từ đó tác động nghiêm trọng tới an ninh. Đến năm 2050, hơn 1 tỷ người sẽ không được tiếp cận đủ nước cùng với đó là vấn nạn xói mòn đất và hạn hán. Theo đó, EU kêu gọi ARF cần tăng cường chú ý đến các mối đe dọa của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường đối với hòa bình, an ninh và quốc phòng.
Thứ hai, liên quan tới tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, quan chức EU bày tỏ quan ngại về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Theo ông Borrell, EU sẵn sàng ủng hộ tiến trình ngoại giao mới nhằm xây dựng hòa bình và an ninh bền vững tại đây.
Thứ ba, ông bày tỏ EU đánh giá cao Indonesia - nước Chủ tịch ASEAN năm nay - đã triển khai cách tiếp cận ngoại giao có cấu trúc phù hợp đối với vấn đề Myanmar để khởi động một cuộc đối thoại toàn diện. EU kêu gọi tất cả các đối tác của ARF hỗ trợ các nỗ lực của nước Chủ tịch. Ông nhấn mạnh thực hiện Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar là cách duy nhất để bắt đầu một tiến trình chính trị thực sự.
Liên quan vấn đề Biển Đông, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Borrell nhấn mạnh các tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình và tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. EU hoan nghênh các hiệp định phân định trên biển mới được ký kết và khuyến khích thực hiện tiến trình do ASEAN dẫn dắt hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý, tôn trọng các bên thứ ba.