Phát biểu khai mạc ARF lần thứ 30, bà Retno nhắc lại rằng diễn đàn được thành lập vào năm 1994 nhằm xây dựng cấu trúc an ninh khu vực sau chiến tranh bằng cách thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin thông qua đối thoại và tham vấn. Tuy vậy, cục diện an ninh khu vực hiện đã khác nhiều trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt đang tiếp tục chia rẽ khu vực.
Bà Retno cảnh báo: “Khu vực của chúng ta cũng có nhiều điểm nóng tiềm ẩn, từ tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết đến các cuộc xung đột sắc tộc. Thách thức này đang trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, buôn bán người và cướp biển đang gia tăng. Sự phức tạp này đòi hỏi chúng ta phải quản lý tốt hơn các xung đột tiềm ẩn”.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia hối thúc các nước sử dụng ARF như một phương tiện để thúc đẩy hòa bình một cách tích cực, và ngăn chặn xung đột tiềm ẩn phát sinh trong khu vực; biến sự thiếu lòng tin thành lòng tin chiến lược bằng cách tiếp tục thúc đẩy các quy tắc tự kiềm chế và không sử dụng vũ lực.
Ngoại trưởng Retno cho biết trong nỗ lực đó, Indonesia cũng tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện cụ thể Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) để không chỉ mang lại tác động kinh tế và các lợi ích trực tiếp cho người dân mà còn “tạo thói quen” hợp tác chiến lược trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.