EU đạt thỏa thuận tăng diện tích các khu vực hấp thụ CO2

Liên minh châu Âu (EU) vừa nhất trí về một đạo luật tăng diện tích rừng, đầm lầy và các khu vực hấp thụ CO2 khác của khối trong khuôn khổ các biện pháp nhằm giúp liên minh này nâng mục tiêu giảm lượng khí thải ròng gây hiệu ứng nhà kính.

Chú thích ảnh
Nhân viên cứu hỏa nỗ lực khống chế các đám cháy rừng tại Panorama Voulas, phía nam Athens, Hy Lạp, ngày 4/6/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Sáng 11/11, các nhà đàm phán của Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng châu Âu, đại diện cho 27 quốc gia thành viên EU, đã đạt được thỏa thuận về luật mang tên Quy định sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF). Luật mới đặt mục tiêu loại bỏ 310 triệu tấn CO2 từ nay đến năm 2030 thông qua việc sử dụng đất, cây xanh, các loại thực vật, sinh khối và gỗ.

Những mục tiêu ràng buộc này sẽ được áp dụng đối với tất cả 27 quốc gia EU nhằm tăng dần khả năng thu giữ carbon và giảm bớt khí thải để đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường của toàn khối. Việc tăng thu giữ carbon có thể giúp tái tạo lại những cánh rừng già cỗi hoặc tạo ra những cánh rừng mới, giúp thay đổi các tập quán canh tác như giảm xới đất hoặc giảm trồng các loại cây rễ sâu hơn nhằm tăng lượng hấp thụ carbon trong đất. 

Hiện nay, các nước thành viên EU phải đảm bảo rằng các mức phát thải từ việc sử dụng đất và rừng tối thiểu phải tương đương mức carbon được loại bỏ. Tuy nhiên, theo luật mới, từ năm 2026, việc loại bỏ CO2 cần vượt trên mức phát thải.  

Luật mới có thể giúp EU tăng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ròng xuống gần 57% vào năm 2030 so với các mức ghi nhận năm 1990, tăng 2% so với mục tiêu 55% đề ra hiện nay, qua đó thúc đẩy lộ trình để khối này có thể đưa phát thải ròng carbon về mức 0 vào năm 2050.  

Đây là thỏa thuận sau cùng trong số 3 thỏa thuận mà EU kỳ vọng đạt được trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập. Tháng trước, khối này đã đạt thỏa thuận đầu tiên về việc cấm bán ô tô chạy xăng và dầu diesel từ năm 2035 nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển sang sử dụng xe điện. Kế đến, ngày 8/11 vừa qua, EU đã nhất trí với đạo luật đặt ra các mục tiêu quốc gia giảm tổng lượng khí thải carbon vào cuối thập niên này trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông vận tải, quản lý chất thải...

Minh Tâm (TTXVN)
Nguyên nhân lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch cao kỷ lục trong năm 2022
Nguyên nhân lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch cao kỷ lục trong năm 2022

Kinh tế phục hồi sau đại dịch, khủng hoảng nhiên liệu do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, cũng như sự gia tăng ô nhiễm CO2 từ sử dụng dầu, khí đốt và than đá nói chung đã thúc đẩy xu hướng tăng trở lại của khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN