Trong báo cáo đánh giá về tiến bộ của EU trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ) được công bố ngày 22/6, Eurostat nhận định có sự cải thiện trong nỗ lực giảm nghèo và nâng cao sức khỏe trong 5 năm qua. Tuy nhiên, duy chỉ việc hướng tới đạt được những mục tiêu môi trường cũng như bình đẳng giới vẫn còn chậm trễ, thậm chí dường như "giẫm chân tại chỗ".
Cơ quan trên lưu ý tiến trình hướng tới các mục tiêu năng lượng và khí hậu của EU, cũng như việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn (mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường) phần nào đã bị đình trệ. Điều này dẫn tới làm gia tăng áp lực đối với hệ sinh thái và đa dạng sinh học trong một số lĩnh vực.
Trong phát biểu của mình, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế và thuế của EU Paolo Gentiloni đã chỉ ra những nỗ lực thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ, song báo cáo cũng lưu ý tình trạng bất bình đẳng giới trong việc tiếp cận giáo dục và trên thị trường lao động lại gia tăng. Ông Gentiloni bày tỏ lo ngại tình hình có thể trở nên xấu đi do các biện pháp phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt đã khiến EU rơi vào đợt suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên, xét về khía cạnh chính trị, quan chức này thể hiện sự hài lòng khi đã có sự gia tăng về số nghị sĩ nữ trong Quốc hội các nước thành viên, nhưng nhấn mạnh vẫn còn một chặng đường dài để có thể đạt được bình đẳng giới trong lĩnh vực này. Ông kêu gọi cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới trong thời gian tới.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đặt vấn đề chống biến đổi khí hậu lên là một trong những ưu tiên hàng đầu. Bà cũng nhấn mạnh bình đẳng giới là yếu tố then chốt giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đã thành lập đội ngũ ủy viên có sự bình đẳng giới phụ trách thực hiện các chính sách của bà. Như một phần trong dự án Thỏa thuận Xanh nhằm đưa châu Âu trở thành lục địa đầu tiên trên thế giới đạt mục tiêu không phát thải CO2 vào năm 2050, bà von der Leyen cũng hy vọng 1/4 ngân sách của EU sẽ dành cho việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo của Eurostat, lượng phát thải khí CO2 của EU trong năm 2018 đã giảm 2,7% so với cách đấy 5 năm song nhiệt độ Trái Đất vẫn tiếp tục tăng lên. Giai đoạn 2009 - 2018 được xem là thời kỳ nóng kỷ lục tại châu Âu với nhiệt độ trung bình cao hơn 1,6 tới 1,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.