Đại diện cấp cao về an ninh và về đối ngoại của EU, Federica Mogherini cho biết EU "lo ngại sâu sắc", đồng thời cho rằng quyết định của Mỹ "vi phạm cam kết trong các thỏa thuận hiện hành giữa Mỹ - EU năm 1997 và 1998 mà hai bên đều tuân thủ liên tục từ đó tới nay".
Bà Mogherini nhấn mạnh hành động này "sẽ gây ra những xích mích không đáng có, và hủy hoại lòng tin và khả năng dự báo trong quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương".
Bà Mogherini cho biết EU đang cân nhắc "áp dụng mọi biện pháp hạn chế đơn phương thích hợp nhằm giải quyết hậu quả của (việc thực thi) Luật Helms-Burton, bao gồm cả các quyền của mình trong WTO và thông qua việc sử dụng Luật Ngăn chặn (Blocking Statute) của EU".
Đạo luật Ngăn chặn cấm các công ty EU tuân thủ một số trừng phạt của Mỹ, cho phép họ khôi phục thiệt hại từ các trừng phạt đó và vô hiệu hóa mọi vụ kiện tụng ra tòa chống lại họ ở nước ngoài.
Đại diện cấp cao của EU cho biết thêm rằng Liên minh này cũng sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước khác.
Luật Helms-Burton được ban hành năm 1996 và là một trong những nền tảng pháp lý cho cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba. Trong đó, Điều 3 cho phép các công dân Cuba có tài sản bị tịch thu, sau khi nhập quốc tịch Mỹ, được quyền khởi kiện tại các tòa án Mỹ để đòi lại số tài sản đó hoặc đòi bồi thường.
Dù vậy, kể từ khi Luật Helms-Burton ra đời, tất cả các tổng thống Mỹ mỗi khi ký gia hạn đạo luật này đều miễn áp dụng Điều 3 theo thời hạn 6 tháng/lần. Tuy nhiên, ngày 17/1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ ký miễn áp dụng đề mục này trong thời hạn 45 ngày. Từ ngày 4/3, áp dụng một phần và chỉ hoãn thi hành thêm 30 ngày. Tiếp đó, ngày 17/4, Mỹ tuyên bố Điều 3 của Luật Helms-Burton sẽ có hiệu lực từ ngày 2/5.