EP thông qua ngân sách bổ sung hơn 400 triệu euro về người nhập cư

Ngày 14/10, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua ngân sách bổ sung trị giá 401,3 triệu euro dành để quản lý cuộc khủng hoảng người nhập cư.


Người di cư vượt biên giới Serbia sang Hungary, gần Asttohatolom. Ảnh: Reuters/TTXVN.

Nguồn vốn này do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất sẽ được cung cấp cho các quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất từ làn sóng người tị nạn và cho các quốc gia thứ 3 tiếp nhận nhiều nhất người tị nạn Syria. Ba cơ quan châu Âu làm nhiệm vụ quản lý vấn đề nhập cư cũng được hưởng khoản hỗ trợ tài chính này.


Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, bên cạnh việc thông qua thay đổi ngân sách trước mắt cần thiết để đáp ứng quyết định của Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức họp hôm 23/9 về vấn đề nhập cư, EP cũng nhấn mạnh hệ thống khuôn khổ ngân sách 7 năm của châu Âu cần phải được sửa đổi cho phép các biện pháp tài chính dài hạn để giải quyết vấn đề này hiện có nguy cơ trở thành một vấn đề lớn và lâu dài. EP hiểu tính khẩn cấp của tình hình người tị nạn và sẵn sàng hành động nhanh chóng để tăng các nguồn vốn nhằm quản lý số lượng chưa từng có người tị nạn và nhập cư.


Về phần mình, EC hôm 14/10 cũng kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tôn trọng cam kết đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh hôm 23/9 vừa qua. Hiện nay, nhu cầu về vốn cũng như nhân lực vẫn còn xa với các cam kết. Gần một tháng sau hội nghị của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ EU về vấn đề nhập cư, lời hứa mà các quốc gia đưa ra vẫn chưa được thực hiện. Các nhà lãnh đạo châu Âu cam kết cung cấp 800 triệu euro cho các tổ chức quốc tế quản lý khủng hoảng nhập cư và thành lập 2 quỹ: một cho châu Phi trị giá 1,8 tỷ euro và một quỹ cho Syria với 500 triệu euro. Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans yêu cầu các quốc gia cần có sự hỗ trợ rõ ràng đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 15-16/10. Bỉ là một trong số hiếm các quốc gia đã triển khai nhân lực cho EASO và Frontex là Cơ quan châu Âu quản lý biên giới ngoại khối, nhằm cải thiện việc đăng ký cũng như quản lý những người xin nhập cư mới chủ yếu ở Italy và Hy Lạp.

TTXVN/Tin Tức
Lợi nhuận từ kinh doanh di cư rơi vào túi ai?
Lợi nhuận từ kinh doanh di cư rơi vào túi ai?

Thời gian gần đây, hình ảnh những con tàu chở đầy người tị nạn vượt biển đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông trong bối cảnh châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuy nhiên, thảm kịch lại là một cơ hội kiếm lời rất lớn với nhiều người khác, trong đó có cả các “ông lớn” tại châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN