Hãng tin AFP cho biết ECCC đã ra phán quyết trong phiên xét xử phúc thẩm và cũng là cuối cùng đối với bị cáo Khieu Samphan, theo đó bác đơn kháng án đối với thủ lĩnh cuối cùng còn sống của chế độ Khmer Đỏ này.
Theo hãng tin AP, phán quyết trên của ECCC là cuối cùng và sẽ khép lại Hồ sơ số 002/02 cũng như toàn bộ hồ sơ vụ án số 002 sau quá trình tố tụng kéo dài 16 năm, tính từ thời điểm mở cuộc điều tra đầu tiên đến hoạt động xét xử và tuyên án kết thúc hồ sơ vụ án về tội ác diệt chủng của các lãnh đạo cấp cao chế độ Campuchia Dân chủ trong giai đoạn cầm quyền ở nước này từ ngày 17/4/1975 đến ngày 6/1/1979.
Khieu Samphan, 91 tuổi, đang bị giam giữ trong khu tạm giam của ECCC, là bị cáo cuối cùng và duy nhất của phiên tòa này, trong khi các cựu lãnh đạo chủ chốt của chế độ Campuchia Dân chủ lần lượt qua đời trong tiến trình điều tra, xét xử. Trong số này, Ieang Sary, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao qua đời năm 2014 và một năm sau, vợ bị cáo này - Ieang Thirith, nguyên Bộ trưởng các vấn đề xã hội của chế độ Campupchia Dân chủ, cũng qua đời.
Theo phán quyết của ECCC tháng 11/2018, Khieu Samphan, nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch nước Nhà nước Campuchia Dân chủ, bị tuyên mức án tù chung thân với cáo buộc phạm tội diệt chủng đối với người Việt Nam, tội ác chống lại loài người và phạm tội ác chiến tranh.
Chủ tọa phiên tòa diễn ra ngày 16/11/2018, Thẩm phán Nil Nonn, nói: "Tòa án tuyên bố chính quyền Khmer Đỏ đã phạm các tội ác diệt chủng nhằm vào người Việt Nam và người Hồi giáo Chăm tại Campuchia". Đây là lần đầu tiên tòa án đặc biệt này đưa ra phán quyết như vậy sau tròn 4 thập kỷ và là phán quyết lịch sử của ECCC.
Báo chí Campuchia dẫn kết quả một cuộc khảo sát của Trung tâm Tư liệu Campuchia (DC-Cam) hồi tháng 8/2021 cho biết trong số hơn 30.000 người dân được khảo sát, có 87% số ý kiến khẳng định phiên tòa này có ý nghĩa đối với cuộc sống của họ.
Campuchia lập ra từ năm 2006, nhằm xét xử tội ác tàn bạo của các lãnh đạo Khmer Đỏ gây ra dưới thời diệt chủng. Theo một báo cáo của ECCC, tổng chi phí cho tòa kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2006 - 2017 là 318,9 triệu USD, trong đó Nhật Bản đóng góp nhiều nhất với 29%, tiếp đó là các nước như Mỹ và Australia. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ECCC đã nhiều lần phải tạm ngưng hoạt động do thiếu hụt nguồn ngân quỹ hoạt động, đặc biệt là chi phí trả lương cho đội ngũ nhân viên pháp lý Campuchia.