Khoản lỗ này có thể lớn hơn nhiều nếu ECB không sử dụng khoản dự phòng 6,6 tỷ euro dành riêng cho việc bù đắp khoản lỗ. Tuy nhiên, có thể thấy việc ECB thua lỗ là tác động tài chính từ các chính sách tiền tệ được thực hiện trong năm qua. Việc tăng lãi suất đã dẫn đến chi phí lãi suất cao hơn phải trả cho các ngân hàng trung ương quốc gia của khu vực đồng euro. Đồng thời, thu nhập lãi từ trái phiếu mà ECB tích lũy được trong nhiều năm qua không theo kịp với chi phí lãi suất mới.
ECB cho biết ngân hàng này có thể sẽ tiếp tục lỗ trong vài năm tới nhưng dự kiến sẽ có lãi bền vững sau đó. Ngân hàng khẳng định rằng hiệu suất tài chính sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của ECB. Ngân hàng này có thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chính sách tiền tệ bất chấp khoản lỗ.
Hiện tại, ECB đang duy trì lãi suất ở mức cao để kiềm chế lạm phát và dự kiến sẽ giữ nguyên cho đến khi có bằng chứng thuyết phục cho thấy lạm phát đang quay trở lại mức mục tiêu 2%. Lạm phát khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) giảm từ 2,9% của tháng 12/2023, xuống 2,8% vào tháng 1/2024.
Các nhà kinh tế dự báo ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong vài tháng tới. Chủ tịch ECB Christine Lagarde trước đó để ngỏ khả năng lần cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra trong mùa hè 2024.
ECB từng báo lỗ lần cuối vào năm 2004, một phần do đồng USD và đồng yen suy yếu.