Theo ông Claus Vistesen, nhà kinh tế trưởng khu vực đồng euro tại Pantheon Macrocconomics: “Nền kinh tế Đức một lần nữa đang đứng trước bờ vực suy thoái kỹ thuật”.
Sự kém hiệu quả của khu vực đồng euro bắt nguồn từ sự suy giảm kinh tế ở Đức. Nước này đang phải vật lộn với bài toán năng lượng và căng thẳng thương mại hai chiều với Trung Quốc.
Dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã báo hiệu kém lạc quan cho toàn bộ khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vì Đức là nền kinh tế lớn nhất trong số 20 nền kinh tế khu vực Eurozone. Thống kê sơ bộ của Eurostat cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm 0,3% trong ba tháng cuối năm 2023.
Trong diễn đàn Triển vọng Kinh tế Thế giới hôm 30/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: “Tiêu dùng hộ gia đình mạnh hơn do tác động của cú sốc giá năng lượng giảm bớt và lạm phát giảm, hỗ trợ tăng trưởng thu nhập thực tế, dự kiến sẽ thúc đẩy sự phục hồi".
IMF tính toán rằng Đức sẽ là nền kinh tế lớn hoạt động kém nhất trong năm 2023. GDP nước này có thể giảm 0,5% trong năm nay, do nhu cầu từ các đối tác thương mại chậm lại và các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất cao yếu kém.
Ngược lại, nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 2,1% và Pháp là 1,0%.
Trong khi nền kinh tế Đức có thể bị ảnh hưởng nặng nề, hoạt động kinh doanh ở phần còn lại của khu vực Eurozone cũng mờ nhạt và các nhà kinh tế cho rằng một thời kỳ trì trệ, hoặc thậm chí là suy thoái nhẹ sắp xảy ra trong khu vực này.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo rằng rủi ro đối với tăng trưởng của khu vực này vẫn còn và cho biết cuộc chiến Israel - Hamas đồng nghĩa với triển vọng giá năng lượng sẽ trở nên khó dự đoán hơn.
Tuy nhiên, dữ liệu GDP quý 3 ở khu vực đồng euro cho đến nay tích cực đan xen tiêu cực. Ông Bert Colijn, nhà kinh tế cấp cao khu vực đồng euro tại ngân hàng Hà Lan ING chỉ ra rằng, trong khi tăng trưởng kinh tế Đức và Áo giảm thì Bỉ và Tây Ban Nha tăng trưởng mạnh mẽ.
Năm mới bắt đầu với làn sóng đình công và phản đối lạm phát, trong đó có một số nông dân ở Đức và Pháp phản đối kế hoạch giảm dần trợ cấp từ Liên minh châu Âu.
Với lạm phát hiện đang giảm, người lao động có thể sẽ lấy lại được sức mua trong năm nay. Trong khi đó, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến cắt giảm lãi suất cũng sẽ giảm bớt áp lực lên lĩnh vực xây dựng đang gặp khó khăn.