Cụ thể, ECB giữ lãi suất chủ chốt ở mức 4% và điều chỉnh thông điệp để phản ánh lạm phát tiếp tục giảm trong 1 năm rưỡi qua cũng như đưa ra các dự báo kinh tế mới.
Phát biểu với báo giới sau quyết định trên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đánh giá: “Chúng tôi đang đạt tiến triển tốt hướng tới mục tiêu lạm phát, song chúng tôi chưa đủ tự tin”. Bà Lagarde cho biết mọi việc sẽ trở nên rõ ràng hơn trong tháng 6 tới.
Một số nguồn thạo tin cho biết ECB khó có thể giảm lãi suất trước cuộc họp ngày 6/6 vì dữ liệu quan trọng về tiền lương sẽ được công bố trong tháng 5 tới.
ECB cho biết kể từ cuộc họp Hội đồng quản trị gần đây nhất vào tháng 1/2024, lạm phát đã tiếp tục giảm. Mặc dù hầu hết các thước đo lạm phát cơ bản đã giảm, song sức ép giá cả tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn ở mức cao, một phần do tiền lương tăng mạnh. ECB cũng tái khẳng định các quyết sách trong tương lai một phần sẽ phụ thuộc vào hướng đi của lạm phát cơ bản.
Trong dự báo kinh tế hàng quý, ECB đã giảm dự báo lạm phát trong năm nay từ 2,7% xuống 2,3%. Điều này đồng nghĩa với việc ECB có thể đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong năm nay, thay vì vào năm 2025 như dự kiến trước đó.
Lạm phát đã giảm trong gần 18 tháng và ở mức 2,6% trong tháng 2/2024. Điều này một phần là do chi phí nhiên liệu giảm mạnh, nhưng cũng phản ánh chi phí đi vay tăng mạnh nhất từ trước đến nay của ECB. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản, không tính giá thực phẩm và nhiên liệu dễ biến động, vẫn ở mức 3,1% và chỉ số giá dịch vụ, có liên quan chặt chẽ đến tăng trưởng tiền lương, đã tăng gần 4%.
ECB dự báo GDP của khu vực Eurozone trong năm nay sẽ tăng 0,6%, thấp hơn mức 0,8% mà ECB đưa ra hồi tháng 12/2023.
Sau quyết định của ECB, thị trường chứng khoán châu Âu tăng điểm. Cụ thể, chỉ số STOXX 600 tiếp tục đà tăng và đạt mức cao kỷ lục mới, tăng 1%.