Số liệu của cơ quan thống kê liên bang Đức Destatis cho thấy tăng trưởng giá tiêu dùng giảm mạnh xuống 2,5% tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021 và được ghi nhận sau khi lạm phát hằng năm của Đức giảm xuống 2,9% vào tháng 1. Destatis lý giải việc lạm phát của nước này tiếp tục giảm nhẹ trong tháng 2 chủ yếu do giá năng lượng thấp hơn và lạm phát giá thực phẩm chững lại.
Viện thống kê INSEE của Pháp cho biết lạm phát của nền kinh tế lớn thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU) này đã giảm từ 3,1% của tháng 1, xuống còn 2,9% trong tháng 2. Sự chuyển biến này là do giá thực phẩm, sản phẩm sản xuất và dịch vụ giảm tốc, trong khi giá năng lượng tăng nhanh. Ở Tây Ban Nha, lạm phát hằng năm giảm xuống còn 2,8% trong tháng 2 khi giá điện giảm, trong khi tỷ lệ này đã lên tới 3,4% vào tháng trước.
Những số liệu trên sẽ "châm ngòi" cho suy đoán về động thái tiếp theo của ECB trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 7/3. Thị trường hi vọng thể chế tài chính này sẽ sớm cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 4. Trước hiệu quả của việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, tháng 10/2023, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất, chấm dứt chuỗi 10 lần tăng liên tiếp với mức tăng tổng cộng 4,5 điểm phần trăm kể từ tháng 7/2022 để đối phó với lạm phát đỉnh 10,6%. Trước đó, Thống đốc ECB, bà Christine Lagarde từng phát đi tín hiệu thể chế tài chính này có thể bắt đầu giảm lãi suất vào mùa Hè năm nay. Dự kiến, số liệu về lạm phát của Eurozone sẽ được công bố vào ngày 1/3. Tháng 1 năm nay, lạm phát của Eurozone là 2.8%.
Nhà kinh tế học Franziska Palmas của Capital Economics cho rằng số liệu lạm phát mới nhất của Đức, Pháp và Tây Ban Nha có thể khiến các nhà hoạch định chính sách của ECB tin tưởng hơn rằng giảm phát sẽ tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, bà cho rằng với việc lạm phát dịch vụ chỉ giảm chậm và các số liệu mới nhất về tăng trưởng lương vẫn mạnh, các quan chức sẽ muốn có thêm bằng chứng cho thấy các áp lực lạm phát cơ bản đang giảm bớt trước khi thực hiện cắt giảm lãi suất.