Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (phải) trong cuộc họp báo với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) tại thủ đô Athens. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bắt đầu từ ngày 29/2, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk có chuyến công du tới các thủ đô của Áo, Slovenia, Croatia, Macedonia và Hy Lạp để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề người nhập cư dự kiến diễn ra vào ngày 7/3 tới tại thủ đô Brussels (Bỉ).
Theo phóng viên TTXVN tại EU, chuyến công du của người đứng đầu Hội đồng châu Âu nhằm mục đích tiếp tục xây dựng một thỏa thuận của châu Âu về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng người di cư, cũng như "xoa dịu" căng thẳng giữa chính phủ Áo và Hy Lạp xung quanh vấn đề gây tranh cãi này. Trong một tuyên bố ngày 26/2, sau khi Slovenia, Macedonia, Croatia, Áo và Serbia áp đặt hạn ngạch đối với người di cư, ông Tusk nhấn mạnh việc tái lập hoạt động hoàn toàn của khu vực Schengen cần phải có thời gian và triển khai song song cùng các biện pháp đối phó với hậu quả nhân đạo trong các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng, cũng như các biện pháp hỗ trợ nhân đạo đối với người tị nạn Syria và các quốc gia láng giềng của quốc gia Trung Đông này.
Trước đó, ngày 26/2, Slovenia, Macedonia, Croatia, Áo và Serbia tuyên bố áp đặt hạn ngạch đối với người di cư, theo đó chỉ cho phép 580 người đi qua biên giới nước này mỗi ngày. Quyết định này được đưa ra do sức ép từ phía Áo, quốc gia gần đây đã giới hạn số người di cư quá cảnh tối đa là 3.200 người và chỉ tiếp nhận 80 đơn xin tị nạn mỗi ngày bất chấp những chỉ trích từ EU. Ngay sau đó, Chính phủ Hy Lạp cũng quyết định hạn chế tiếp nhận số lượng người nhập cư giữa các đảo và Athens, cũng như giảm số lượng các chuyến phà từ đảo về thủ đô.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II chưa có dấu hiệu lắng dịu, việc kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn của các nước ở châu lục này đã khiến hàng nghìn người bao gồm nhiều trẻ em bị mắc kẹt tại Hy Lạp. Theo văn phòng của Bộ trưởng Nội vụ Hy Lạp phụ trách vấn đề di cư Yiannis Mouzalas, hiện nay, hơn 20.000 người tị nạn và di cư đang bị dồn ứ tại quốc gia cửa ngõ của EU này.
Các nước EU do lo ngại an ninh và nguy cơ đổ vỡ khu vực tự do đi lại Schengen, gần đây đã nhất trí tăng cường kiểm soát chặt chẽ biên giới bên ngoài đối với tất cả những người nhập cảnh vào EU.